Phần những vấn đề chung

  1. TỔNG QUAN VỀ GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG

Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2000, nội dung giáo dục địa phương đã được đưa vào giảng dạy ở trong một số môn học và hoạt động giáo dục (dạng tích hợp/lồng ghép).

Theo chương trình GDPT 2018 được xây dựng với định hướng theo Nghị quyết số 29 của Trung Ương khoá XI (năm 2013), Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá XIII (năm 2014), Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) và ban hành theo Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2018):

– Kế hoạch thực hiện giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường để hoàn thành nội dung giáo dục của một tỉnh/thành phố, gồm những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, phát triển năng lực và phẩm chất, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương.

– Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm.

  1. Mục tiêu xây dựng nội dung giáo dục địa phương

Nội dung giáo dục địa phương được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương nơi học sinh sinh sống và học tập. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mình.

Nội dung giáo dục địa phương góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình GDPT:

– Các năng lực: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo;

– Các phẩm chất: Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm.

 Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

 

  1. Đặc điểm của nội dung giáo dục địa phương

Nội dung giáo dục địa phương được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của một tỉnh và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học; nội dung giáo dục địa phương được xây dựng trên cơ sở kết nối với các môn học và hoạt động giáo dục khác.

Được xây dựng trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lí, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế – chính trị, bảo vệ môi trường,… của tỉnh; gắn lí thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn.

Lựa chọn chủ đề thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục trải nghiệm, dự án học tập tích cực; gắn với tình hình kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, văn hoá địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của địa phương.

Nội dung giáo dục địa phương chủ yếu tập trung cung cấp các kiến thức cơ bản về văn học, lịch sử, địa lí, văn hoá, nghệ thuật của tỉnh. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và cả nước, nội dung giáo dục địa phương bổ sung các vấn đề về các ngành nghề và hoạt động lao động sản xuất của địa phương, chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị của tỉnh, xây dựng phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh đáp ứng các ngành nghề lao động thế mạnh của mỗi địa phương.

Được thiết kế theo các mạch nội dung gắn liền với các lĩnh vực, chủ đề, được biên soạn theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của các vùng khác nhau trong mỗi địa phương; phù hợp với khả năng của giáo viên, với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau và thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm mức độ yêu cầu chung của giáo dục phổ thông trong địa phương và cả nước.

  1. Quan điểm chỉ đạo của về xây dựng nội dung giáo dục địa phương 

Nội dung giáo dục địa phương được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước và những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa, các giá trị truyền thống của tỉnh và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của tỉnh về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh.

Nội dung giáo dục địa phương là văn bản chính sách của một địa phương thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh; nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục địa phương.

Bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực; hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

Thể hiện tính kế thừa và phát triển; bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học; đáp ứng được yêu cầu phù hợp tâm lý lứa tuổi, mang tính giáo dục cao; có sự  cập nhật, chính xác, hiện đại, tính lô gích và tính sư phạm;

Nội dung giáo dục địa phương được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là:

– Bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn tỉnh;

– Quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nội dung;

– Đảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.

  1. Định hướng về nội dung giáo dục

Đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương gồm một số vấn đề cơ bản mang tính thời sự về:

– Lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương;

– Lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa;

– Phong tục, tập quán địa phương;

– Địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên;

– Ngành nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh;

– Một số nội dung về kinh tế – xã hội, chính sách an sinh xã hội;

– Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống;

– Xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật;

– Bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn giao thông,…

Nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm; Đồng thời tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng, hoạt động xã hội, từ thiện và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học.

 

Theo Quyết định số 984/QĐ-SGDĐT ngày tháng 9 năm 2021 của Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai, khung thời lượng dành cho Giáo dục địa phương cấp tiểu học tỉnh Gia Lai bao như sau:

 

  • Nội dung và yêu cầu cần đạt lớp 1

TT

Tên chủ đề

Yêu cầu cần đạt

1

Quê hương em

– Biết được những cảnh vật nổi tiếng của quê hương.

– Biết được các dân tộc sinh sống ở quê hương.

– Yêu quý và tự hào về quê hương.

2

Anh hùng Núp

– Nêu được một số nét chính về Anh hùng Núp và biết được công lao to lớn của ông.

– Biết ơn và kính trọng những người có công với quê hương.

3

Nơi em ở

– Nêu được địa chỉ nơi em ở.

– Biết được nơi em ở là vùng nông thôn hay thành thị.

– Biết cách bảo vệ bản thân an toàn.

4

Nghề dệt thổ cẩm ở Gia Lai

– Kể được tên một số sản phẩm làm từ thổ cẩm.

– Biết được một số bước cơ bản để dệt nên một tấm thổ cẩm.

– Yêu quý và trân trọng nghề truyền thống quê hương.

5

Nói lời hay, làm việc tốt

– Nhận biết được hành vi đúng – sai, tốt – chưa tốt trong giao tiếp và ứng xử.

– Có kĩ năng giao tiếp tốt, hình thành được thói quen ứng xử có văn hóa.

– Làm được những việc tốt phù hợp với lứa tuổi, góp phần xây dựng lối sống văn minh nơi mình ở.

6

Giữ gìn vệ sinh nơi em ở

– Kể được một số việc làm để giữ gìn vệ sinh nơi em ở.

– Thực hiện được một số việc làm để giữ gìn nơi ở luôn xanh – sạch – đẹp.

 

  1. Định hướng về phương pháp giáo dục

Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa tính tự giác, tích cực, sáng tạo của học sinh;

Tăng cường hoạt động thực hành, ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống địa phương;

Được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng học tập và công cụ máy móc lao động sản xuất tại địa phương. Đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số;

Được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, đặc biệt gắn với môi trường, cuộc sống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh,… của địa phương;

Kết hợp hài hoà hoạt động cá nhân, nhóm, lớp, trường. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế;

Một số phương pháp giáo dục chủ yếu:

– Tổ chức chủ đề trải nghiệm;

– Tổ chức chủ đề theo dự án học tập;

– Tổ chức chủ đề theo mô hình STEM…

  1. Đánh giá kết quả giáo dục

Mục đích đánh giá: Nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh, để nhà giáo dục làm căn cứ điều chỉnh các hoạt động giáo dục, quản lí và phát triển nội dung, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu của tỉnh và Chương trình GDPT.

Nội dung đánh giá: Nội dung đánh giá là các biểu hiện của phẩm chất và năng lực chung trong Chương trình giáo dục phổ thông và các năng lực được xác định của nội dung giáo dục địa phương: năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực thích ứng với cuộc sống và môi trường, năng lực hướng nghiệp, năng lực giải quyết các vấn đề (của địa phương) được cụ thể hoá trong yêu cầu cần đạt của nội dung.

Căn cứ đánh giá: Đánh giá dựa trên quá trình tham gia các hoạt động,
dự án,… của học sinh và các sản phẩm (số lượng, chất lượng sản phẩm) học sinh cần làm được theo quy định của nội dung giáo dục địa phương.

Hình thức đánh giá: Sử dụng các hình thức như: Tự đánh giá, đánh giá
đồng đẳng (học sinh – học sinh), đánh giá của giáo viên, đánh giá của gia đình, cộng đồng.

Tổng hợp và sử dụng kết quả đánh giá: Tổng hợp kết quả đánh giá là sự ghi nhận cả quá trình và đánh giá định kì về sự phát triển phẩm chất và năng lực. Kết quả đánh giá được ghi trong hồ sơ học tập của học sinh.