Giáo viên tiểu học: Làm nhiều, lương chẳng bao nhiêu
vnen
21/11/2009 08:24 GMT+7

TT – Mặc dù Bộ GD – ĐT quy định mỗi giáo viên tiểu học chỉ dạy 23 tiết/tuần (trung bình 4,5 tiết/ngày) nhưng trên địa bàn TP.HCM hiện nay đa số giáo viên phải làm việc gấp 2 – 4 lần quy định trong khi lương lại không đủ sống.

Phóng to

Cô Phạm Thị Thanh Phi – Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.9 – trong một tiết dạy – Ảnh: H.HG.

Một ngày của cô giáo Phạm Thị Thanh Phi – Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.9, TP.HCM – bắt đầu từ 5g30. “Ngủ dậy vội vàng vệ sinh cá nhân xong là dắt xe ra ngay. Làm sao vượt qua chặng đường hơn 20km từ Q.10 đến Q.9 với nhiều điểm kẹt xe luôn là nỗi lo thường trực của tôi” – cô Phi tâm sự. 7g sáng bắt đầu vào tiết đầu tiên và theo học sinh đến 11g trưa. Khi học sinh ăn cơm, ngủ trưa thì cô giáo tranh thủ chấm bài.

Quá sức!

Hầu hết học sinh Trường Đinh Tiên Hoàng đều học hai buổi/ngày nên 14g cô Phi tiếp tục “cuộc hành trình”. “Ngoài các môn học theo quy định, cô Phi phải kiêm luôn các môn âm nhạc, mỹ thuật và thủ công. Năm trước cô ấy còn dạy cả thể dục. Năm nay trường có giáo viên thể dục nên giảm bớt được một môn cho giáo viên chủ nhiệm” – cô Hạnh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

16g khối 1 tan học, cô Phi vẫn ở lại trường tiếp tục chấm bài, làm sổ sách: “Thường về đến nhà là 19g, có bữa họp tổ hay họp chuyên môn thì 20g, 21g con mới thấy mặt mẹ”. Những phút giây thảnh thơi nhất của cô Phi khoảng 30 – 40 phút khi cô kiểm tra bài và nói chuyện với các con. Cô kể: “Buổi tối phải soạn giáo án và làm đồ dùng dạy học. Có bữa còn huy động cả ông xã và hai con giúp một tay. Mọi người trong gia đình tôi hay nói giáo viên tiểu học mà sao cực quá”.

Một ngày của cô Phi thường kết thúc lúc 24g.

Nếu giáo viên các trường ngoại thành phải đi lại xa xôi, gặp khó khăn trong việc giáo dục học sinh (khi nhiều phụ huynh sống chật vật, ít quan tâm đến việc học hành của con, mọi việc giao phó hết cho thầy cô) thì ở các trường nội thành giáo viên vất vả kiểu khác: sĩ số HS quá đông. Ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú, đa số các lớp có sĩ số 55, 56 HS, thậm chí lên đến 62 HS.

Cô Lê Thị Kim Hoa – giáo viên lớp 1/3 – phân tích: “HS tiểu học vốn đang ở lứa tuổi hiếu động, chưa tự chủ được lời ăn tiếng nói, hứng lên là la hét, có em thì hát, có em chạy ra ngoài tỉnh bơ. Một lớp quá đông HS đương nhiên giáo viên sẽ tốn nhiều sức lực hơn, không chỉ trong giảng bài mà còn chấm điểm, đánh giá nữa. Cứ nhắc nhở được em này thì em kia lại nghịch, nhất là đầu năm học, nhiều thầy cô khan giọng do quá vất vả khi rèn HS vào nề nếp”.

Chật vật

Một giáo viên giấu tên đã mang ra tất cả sổ sách của giáo viên chủ nhiệm cho chúng tôi xem: giáo án, sổ chủ nhiệm (phải ghi rõ kế hoạch chủ nhiệm từng thời điểm cụ thể, dõi tình hình HS trong lớp); sổ theo dõi kết quả, kiểm tra – đánh giá HS (trong đó phần hạnh kiểm có 10 mục mà giáo viên cần đánh giá từng HS, 11 môn học hằng tháng phải vào điểm để theo dõi mặc dù chỉ lấy điểm kiểm tra 4 kỳ/năm học để đánh giá lực học của HS. Vất vả nhất là những nhận xét ở các môn năng khiếu với rất nhiều yêu cầu khác nhau), sổ liên lạc.

Hằng tháng, giáo viên phải hoàn thành các loại sổ trên để ban giám hiệu kiểm tra. Chưa có một cuộc khảo sát cụ thể nhưng tất cả giáo viên chúng tôi gặp đều cho rằng việc hoàn thành sổ sách là một gánh nặng làm giáo viên tiêu tốn nhiều thời gian và công sức. Mặc dù ngành GD – ĐT đã cải tiến phương pháp đánh giá giáo viên nhưng kết quả học tập của HS vẫn gây áp lực lớn đối với nhiều nhà giáo bởi phụ huynh nhìn vào số lượng HS giỏi để đánh giá năng lực thầy cô giáo.

Chẳng thế mà “Một số phụ huynh đề nghị được gửi con ở nhà thầy, cô buổi tối nhưng giáo viên trường tôi bảo ngày dạy hai buổi đã quá mệt mỏi, không còn sức lực để kèm HS buổi tối nữa” – cô Nguyễn Thị Thu Thảo, hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Thủy, Q.2, kể.

Áp lực công việc thế nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến đời sống của các cô. Những cô giáo chúng tôi nhắc đến trong bài viết này như cô Phi, cô Diễm có thâm niên 12, 13 năm đứng lớp, trình độ đại học và dạy hai buổi/ngày nhưng thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng.

Còn nhiều thầy cô khác chúng tôi đã gặp nhưng không tiện nêu trong bài viết này thâm niên 6-7 năm, lương chỉ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng. Thế nên chúng tôi vẫn được nghe một câu quen thuộc khi phỏng vấn các nhà giáo: “Liệu cơm gắp mắm”…

Siêng việc trường, bỏ việc nhà

Cô Phi không phải trường hợp đặc biệt trong số hơn 14.000 giáo viên tiểu học của TP.HCM. Nói như cô Trần Thị Ngọc Diễm – Trường tiểu học Mỹ Thủy, Q.2: “Đã chấp nhận làm giáo viên tiểu học thì đừng bao giờ tính đến giờ giấc hay lương bổng. Nói 7g vào tiết đầu tiên nhưng cô giáo luôn phải có mặt trước 15 – 20 phút để nhận học trò bởi nhiều phụ huynh đợi thầy cô giáo đến lớp mới yên tâm giao con và đi làm. Nhà gần trường nhưng buổi trưa nào tôi cũng về sau ông xã mặc dù anh ấy cũng là công chức.

Nán lại trường chấm bài, làm sổ sách, khi về nhà đã thấy cơm nước nấu xong. Buổi chiều cũng thế, 17g con tan học nhưng rất ít khi tôi đi đón được. Ít ai biết giáo viên tiểu học ngoài việc giảng dạy ngày hai buổi còn hàng loạt việc không tên khác “ngốn” mất một nửa thời gian so với thời gian thực dạy”.

………………………

Bề ngoài, trông thầy cô giáo có vẻ nhàn nhã khi đến trường với một chiếc cặp da và bộ quần áo trông tươm tất, nhưng bên trong là cả một nỗi lo khi đến lớp với bao nhiêu công việc cần phải làm, chưa kể việc giảng dạy trên lớp!

Ngoài những hồ sơ mà giáo viên bắt buộc phải có và phải làm như các đồng nghiệp khác vì đó là quy định của ngành, thì tùy từng trường, từng địa phương, chúng tôi còn có những áp lực riêng!

Trường Tiểu học A. chúng tôi, ban giám hiệu quy định mỗi giáo viên mỗi tháng phải dạy 2 tiết theo công nghệ thông tin (18 tiết/năm) mà để có 1 tiết dạy thì chúng tôi phải chuẩn bị cả tuần: dàn bài kế hoạch, sưu tầm tài liệu, thiết kế bài dạy, kế hoạch trên lớp….Chỉ tội cho các đồng nghiệp khác phải bỏ lớp, bỏ giờ để dự trong tổ và nhất là tổ khối trưởng, để đạt chỉ tiêu dự đủ 18 tiết trong năm.

Sau khi dự giờ, phải tìm cách dạy bù lại tiết cho lớp mình chủ nhiệm khi mà thời khóa biểu chen kín các môn học xen kẽ với tiết dạy của các bạn đồng nghiệp dạy bộ môn như thể dục, hát, thủ công, tin học…

Những chương trình “ngoại khóa” như các hoạt động dạy và học chào mừng các ngày lễ, lồng ghép vào bài dạy tùy môn các nội dung như An toàn GT, Bảo vệ MT, phòng cúm…. chiếm không ít trong thời gian dành cho tiết dạy!

Chưa tính đến việc bỏ giờ, bỏ lớp để dự sinh hoạt chuyên môn hay chuyên đề cụm trường do Phòng GD tổ chức! Có lẽ ngay các cấp lãnh đạo cũng “sợ” chúng tôi “ở không” nên luôn có kế hoạch để chúng tôi “làm thêm” ! Không biết khi nào chúng tôi thoát ra khỏi những áp lực “hình thức” để thoải mái tinh thần cùng hòa nhập với học sinh trong mỗi tiết dạy trên lớp?!

Không chỉ có Giáo viên tiểu học mới vất vả thế, mà ngay cả tất cả GV của các cấp đều bị hàng đống sổ sách như thế. Quá nhiều việc, quá nhiều tiết để dạy!

Tôi là 1 GV dạy ở bậc THCS tại Đồng Nai, giảng dạy được 21 năm gắn bó với ngôi trường với HS. Tôi thấy công việc của GV hiện nay phải nói là QUÁ TẢI, ngoài việc lên lớp giảng dạy ở trên lớp ra về nhà chúng tôi còn đầu tư cho việc giảng chấm bài, làm hồ sơ sổ sách…

Chưa tính chuyện tiếp PHHS hoặc mời PHHS làm việc đối với những HS cá biệt. Bên cạnh đó hàng năm vào từng học kỳ phòng giáo dục mở đợt thanh tra chuyên đề, thanh tra toàn diện nhà trường, thanh tra toàn diện cá nhân GV…

Cứ 1 năm như thế chúng tôi bị thanh tra 3 lần, chưa tính thanh tra ở nhà trường, GV chúng tôi còn lo cho việc hội giảng cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh(nếu có). Vì chúng tôi là 1 GV trực tiếp đứng lớp, xin cấp bộ GD-ĐT, cấp sở, cấp phòng, nên nghiên cứu lại về công việc của GV hiện nay, sao cho những công việc của GV bớt đi để họ có chút ít thời gian còn lo cho gia đình, con cái, và có thời gian để đọc sách nghiên cứu đầu tư cho việc giảng dạy phù hợp và hợp lý.

HOÀNG HƯƠNG