04/01/2014 2:30:11 PM
Tác giả cũng đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.
I. Về công tác giáo dục môi trường
1. Vai trò và ý nghĩa của công tác giáo dục môi trường
Năm 1987, tại Hội nghị về môi trường ở Moscow do UNEP và UNESCO đồng tổ chức, đã đưa ra kết luận về tầm quan trọng của giáo dục môi trường: “Nếu không nâng cao được sự hiểu biết của công chúng về những mối quan hệ mật thiết giữa chất lượng môi trường với quá trình cung ứng liên tục các nhu cầu ngày càng tăng của họ, thì sau này sẽ khó làm giảm bớt được những mối nguy cơ về môi trường ở các địa phương cũng như trên toàn thế giới. Bởi vì, hành động của con người tùy thuộc vào động cơ của họ và động cơ này lại tùy thuộc vào chính nhận thức và trình độ hiểu biết của họ. Do đó, giáo dục môi trường là một phương tiện không thể thiếu để giúp mọi người hiểu biết về môi trường”.
Hội nghị quốc tế về Giáo dục môi trường của Liên hợp quốc tổ chức tại Tbilisi vào năm 1977 đã đưa ra khái niệm: “Giáo dục môi trường có mục đích làm cho cá nhân và các cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo là kết quả tương tác của nhiều nhân tố sinh học, lý học, xã hội, kinh tế và văn hóa; đem lại cho họ kiến thức, nhận thức về giá trị, thái độ và kỹ năng thực hành để họ tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý chất lượng môi trường”.
Giáo dục môi trường không phân biệt giáo dục cho đông đảo nhân dân, giáo dục trong các trường phổ thông, giáo dục đại học hay trung học chuyên nghiệp đều nhằm mục tiêu đem lại cho các đối tượng được giáo dục có cơ hội:
a) Hiểu biết bản chất của các vấn đề môi trường: tính phức tạp, quan hệ nhiều mặt, nhiều chiều, tính hạn chế của tài nguyên thiên nhiên và khả năng chịu tải của môi trường, mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường và phát triển, giữa môi trường địa phương, vùng, quốc gia với môi trường khu vực và toàn cầu. Mục tiêu này thực chất là trang bị cho các đối tượng được giáo dục các Kiến thức về môi trường.
b) Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các vấn đề môi trường như một nguồn lực để sinh sống, lao động và phát triển, đối với bản thân họ cũng như đối với cộng đồng, quốc gia của họ và quốc tế, từ đó có thái độ, cách ứng xử đúng đắn trước các vấn đề môi trường, xây dựng cho mình quan niệm đúng đắn về ý thức trách nhiệm, về giá trị nhân cách để dần hình thành các kỹ năng thu thập số liệu và phát triển sự đánh giá thẩm mỹ. Mục tiêu này có định hướng xây dựng Thái độ, cách đối xử thân thiện với môi trường.
c) Có tri thức, kỹ năng, phương pháp hành động để nâng cao năng lực trong việc lựa chọn phong cách sống thích hợp với việc sử dụng một cách hợp lý và khôn ngoan các nguồn tài nguyên thiên nhiên, để họ có thể tham gia hiệu quả vào việc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể nơi họ ở và làm việc. Đây là mục tiêu về khả năng
Hành động cụ thể.
Hình 1. Ba mục tiêu của giáo dục môi trường
Giáo dục môi trường hoàn toàn không tách rời những giá trị về kiến thức, kinh nghiệm thực tế và cách thức thực hiện của từng địa phương hay khu vực về một quá trình tạo lập và phát triển bền vững. Giáo dục môi trường luôn trân trọng những tri thức bản địa và ủng hộ việc giáo dục tương ứng với việc học tập dựa trên môi trường địa phương, coi trọng việc giáo dục toàn cầu cũng như giáo dục môi trường địa phương, thậm chí về mặt cam kết và hành động lại hướng về cụ thể và địa phương: “Nghĩ – toàn cầu, Hành động – Địa phương”.
Những thông tin, kiến thức về môi trường được tích luỹ trong mỗi cá nhân sẽ nuôi dưỡng và nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chính họ, tạo nên những động cơ mạnh mẽ, những cam kết vững chắc hướng về một môi trường trong lành và phát triển trong tương lai. Bởi vì, mỗi cá nhân nếu đều có ý thức đóng góp những hành động dù nhỏ nhưng tích cực cũng sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn tốt đẹp hơn cho môi trường.
Mục đích cuối cùng của giáo dục môi trường là tiến tới xã hội hóa các vấn đề môi trường, nghĩa là tạo ra các công dân có nhận thức, có trách nhiệm với môi trường, biết sống vì môi trường.
Một khi các vấn đề môi trường đã được xã hội hóa thì những lợi ích kinh tế cho cộng đồng ngày một gia tăng và đặc biệt hiệu lực quản lý nhà nước tăng nhưng gánh nặng chi phí sẽ giảm. Do đó, những kết quả nghiên cứu về môi trường và các phương pháp khắc phục ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đi đến kết luận chung là: không có giải pháp nào kinh tế và hiệu quả bằng việc đầu tư vào con người thông qua công tác giáo dục môi trường.
2. Một số phương thức và cách tiếp cận trong giáo dục môi trường
Giáo dục môi trường có nhiều phương thức, được phân chia thành các bộ phận phù hợp với trình độ nhận thức và tính chất đặc thù của cương vị công tác như:
– Giáo dục môi trường cho cộng đồng còn gọi là nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng được thực hiện chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt tập huấn ngắn hạn, các hoạt động văn hóa, truyền thông và các cuộc vận động quần chúng rộng rãi.
– Giáo dục môi trường cho các nhà quản lý các cấp, các cán bộ ra quyết định được thực hiện bằng nhiều biện pháp phù hợp.
– Giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục và đào tạo ở các trường từ các trường mẫu giáo đến các trường cao đẳng và đại học.
– Đào tạo nhân lực chuyên môn về môi trường, bao gồm công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.
Như vậy, rõ ràng công tác đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng đều là những bộ phận vô cùng quan trọng không thể thiếu trong giáo dục môi trường, thực hiện những mục tiêu chiến lược của giáo dục môi trường.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy rằng, giáo dục môi trường thường được thực hiện theo 3 cách tiếp cận sau đây:
a) Giáo dục về môi trường: xem môi trường là một đối tượng khoa học, người dạy truyền đạt cho người học các kiến thức của bộ môn khoa học về môi trường, cũng như phương pháp nghiên cứu về đối tượng đó. Cụ thể là:
– Cung cấp những hiểu biết về hệ thống tự nhiên và hoạt động của nó;
– Cung cấp những hiểu biết tác động của con người tới môi trường.
b) Giáo dục trong môi trường: xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo như một địa bàn, một phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Với cách tiếp cận này, môi trường sẽ trở thành “phòng thí nghiệm thực tế” đa dạng, sinh động cho người dạy và người học. Xét về hiệu quả học tập kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu có thể hiệu quả rất cao.
c) Giáo dục vì môi trường: truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường hình thành thái độ, ứng xử, ý thức trách nhiệm, quan niệm giá trị nhân cách, đạo đức đúng đắn về môi trường, cung cấp tri thức kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định, hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Giáo dục môi trường có hiệu quả nhất khi kết hợp cả 3 cách tiếp cận trên, tức là giáo dục kiến thức về môi trường trong môi trường cụ thể nhằm hướng đối tượng giáo dục có hành động vì môi trường.
II. Giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng cho các đối tượng trong xã hội ở Việt Nam
1. Giáo dục môi trường ở các bậc học
1.1. Giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non
Giáo dục mầm non nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, là cơ sở quan trọng đặt nền móng ban đầu cho việc hình thành nhân cách con người Việt Nam. Giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Trong giai đoạn này, trẻ phát triển rất nhanh về mặt thể chất, nhận thức, tình cảm. Các mối quan hệ xã hội, những nét tính cách, phẩm chất và các năng lực chung,… nếu không được hình thành ở trẻ trong lứa tuổi này, thì khó có cơ hội hình thành ở lứa tuổi sau.
Hiện nay, cả nước có trên 10.000 trường mẫu giáo, mầm non với gần 3 triệu trẻ em và trên 15.000 giáo viên. Một lực lượng khá đông đảo sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng về môi trường và bảo vệ môi trường nếu đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào trường mầm non.
1.2. Giáo dục bảo vệ môi trường ở bậc tiểu học
Tiểu học là bậc học cơ bản, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho việc đào tạo trẻ em trở thành công dân tốt cho đất nước. Mục đích quan trọng của giáo dục bảo vệ môi trường không chỉ làm cho các em hiểu rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường mà quan trọng là phải hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện với môi trường. Nếu ở cấp học này các em chưa hình thành được tình yêu thiên nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên, quan tâm tới thế giới xung quanh, có thói quen sống ngăn nắp, vệ sinh thì ở các cấp sau khó có thể bù đắp được. Vì vậy, nội dung và cách thức bảo vệ môi trường trong trường tiểu học mang tính quyết định đối với việc hình thành những phẩm chất đó.
1.3. Giáo dục bảo vệ môi trường ở bậc trung học
Ở cấp học này, nội dung giáo dục môi trường phải được coi là nội dung chính thống, có hệ thống, có chất lượng và phải hiệu quả. Cách thức đưa vào chương trình phổ thông và phương thức đào tạo có thể mềm dẻo nhưng việc đánh giá kết quả phải được đặt ra một cách tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Cần phải giúp cho các em tự mình chiếm lĩnh được tri thức, kỹ năng và tự thân các học sinh xác định thái độ phái đối xử đúng đắn với thiên nhiên như chính ngôi nhà của mình.
1.4. Giáo dục bảo vệ môi trường ở bậc đại học và sau đại học
Giáo dục bảo vệ môi trường ở bậc đại học và sau đại học có thể được thực hiện theo 3 phương thức:
− Tiến hành như một môn học mới, hoặc một chuyên đề mới được đưa vào chương trình: Phương thức này tương đối rõ ràng, đơn giản, nhưng gặp khó khăn do chương trình đào tạo đang có không còn thời lượng cho môn học mới.
− Lồng ghép với các môn học khác: Phương thức này sẽ thuận lợi cho tính chất liên ngành, không đòi hỏi việc sắp xếp lại khung chương trình. Tuy nhiên lại gặp khó khăn lớn là phải đào tạo giáo viên mới và huấn luyện bồi dưỡng giáo viên đương chức về mục tiêu, nội dung và phương pháp lồng ghép.
− Giáo dục môi trường qua các hoạt động ngoại khóa: Phương thức này được vận dụng để giải quyết khó khăn về quỹ thời gian học tập của học sinh. Giáo dục ngoại khóa có ưu điểm là sinh động, dễ gắn liền với thực tế, vừa cung cấp được kiến thức, kỹ năng, vừa có tác dụng rèn luyện nhận thức, thái độ. Tuy nhiên có khó khăn là không liên tục, không hệ thống và bị động với nhiều nhân tố bên ngoài.
2. Giáo dục môi trường cho các cán bộ quản lý
Những cán bộ quản lý các cấp chính là những người có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý còn chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của môi trường hoặc còn xem vấn đề môi trường là yếu tố gây cản trở với quá trình phát triển, với việc khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ cho công cuộc phát triển. Bởi vậy, ở nhiều ngành khi lập kế hoạch phát triển kinh tế, thì vấn đề môi trường mới chỉ được coi là nội dung mang tính tham khảo hoặc một nội dung bổ trợ mà chưa được xem là mục tiêu cần thiết của ngành đó.
Do đó, giáo dục thông qua đào tạo cập nhật môi trường là rất cần thiết để họ phải có trách nhiệm với môi trường mỗi khi cầm bút phê duyệt một dự án phát triển, một công trình xây dựng hay một quyết định có liên quan tới khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
3. Giáo dục môi trường cho cộng đồng
Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi lẽ cộng đồng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường của địa phương. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Công tác này thường được thực hiện thông qua các hoạt động xã hội, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị – xã hội để từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, điều này có nghĩa là huy động các nhân tố thị trường và cộng đồng dân cư vào các mặt hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đây là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, thời gian dài và đặc biệt là sự kết hợp hài hòa và tổng hợp các giải pháp. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể phát huy hiệu quả trong vấn đề này.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đặt vị trí quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 và sau này là Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người”. Quyết định số 256/2003/QĐ- TTg, ngày 2/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân”.
Theo Nghị định số 35/HĐBT ngày 28/01/1992 về công tác quản lý khoa học và công nghệ, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp ngày càng phát triển. Hiện nay, có hàng trăm đơn vị hội viên thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và nhiều các trung tâm hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại các tỉnh và thành phố. Các hội này nói chung không có hệ thống tới cơ sở, mà thường là tập hợp các nhà chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn đào tạo và chuyển giao công nghệ. Cho đến nay, các hội đã đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường, như Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch hành động đa dạng sinh học, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia,… Đối với một số dự án quan trọng, như Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, các hội đã được yêu cầu nghiên cứu đóng góp ý kiến cho báo cáo nghiên cứu khả thi của công trình này, trong đó có phần về đánh giá tác động môi trường. Nhiều điều kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và chấp nhận.
Tuy không có hệ thống tổ chức đến tận cơ sở, nhưng các hội vẫn có thể tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tại các địa phương trong cả nước, thông qua các đề tài nghiên cứu, các dự án phát triển trong các lĩnh vực sản xuất, xã hội và bảo vệ môi trường, như Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên.
Các tổ chức chính trị – xã hội, như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,… có hệ thống tổ chức từ Trung ương tới cơ sở, vì vậy có điều kiện và vai trò quan trọng trong việc huy động hội viên cùng nhân dân địa phương thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Các chương trình lớn của quốc gia có liên quan đến môi trường, như Chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… có thành công hay không, phần quyết định là ở các hoạt động của cộng đồng ở địa phương.
Các dự án do Chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ để xây dựng những mô hình về cải thiện điều kiện sinh hoạt và bảo vệ môi trường chỉ có thể đạt kết quả tốt, nếu mô hình phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của địa phương, được nhân dân chấp nhận và nhất là sau khi dự án kết thúc, có thể được tiếp tục nhân rộng, nhằm giải quyết vấn đề trong phạm vi rộng hơn.
Cộng đồng địa phương còn có thể đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các dự án đầu tư, nhất là những gì có tác động trực tiếp tới môi trường, tới sản xuất và đời sống của nhân dân tại đó.
Vì vậy, thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một trong các biện pháp quan trọng để xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
III. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại Việt Nam
1. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thể hiện qua việc Ban hành các Văn bản Pháp luật
Công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam:
Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ rõ: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới”. Chỉ thị đã đưa ra 8 giải pháp lớn về bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp đầu tiên là: “Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải pháp đầu tiên được nêu ra là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường”.
Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”.
Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.
Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).
Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, Điều 5 và Điều 6 đề cập đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và những hoạt động được khuyến khích, trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục. Riêng Chương XI, Điều 107. Giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, quy định rõ:
1) Công dân Việt Nam được giáo dục toàn diện về môi trường nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường.
2) Giáo dục về môi trường là một nội dung của chương trình chính khoá của các cấp học phổ thông.
3) Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
4) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
Chỉ thị số 02/2005/CT-BGD&ĐT ngày 31/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường.
Chỉ thị số 40/2008/CT-BGD&ĐT ngày 22/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013.
2. Một số kết quả đã đạt được
Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đã luôn được chú trọng. Nhiều hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các tư liệu, tranh ảnh, các chiến dịch truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường, các cuộc vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường hằng năm được thực hiện thường xuyên và đi vào nền nếp.
Giáo dục về pháp luật môi trường được thực hiện thông qua các chương trình chính khóa và ngoại khóa ở các cấp học, từ mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường cao đẳng và đại học trong phạm vi cả nước. Nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách giáo khoa, sách tham khảo về bảo vệ môi trường đã được biên soạn và phát hành.
Công tác đào tạo thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân về môi trường được thực hiện ở nhiều trường đại học. Một số trường đại học có chuyên khoa về môi trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, các trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường…
Nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về môi trường đã được tổ chức. Nhiều khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài về môi trường được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức môi trường và về pháp luật môi trường cũng như kỹ năng quản lý cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội.
Mạng lưới giáo dục môi trường đã được hình thành, phát huy tác động tích cực trong việc phối hợp thực hiện công tác giáo dục, đào tạo về môi trường trên phạm vi toàn quốc cũng như hợp tác trong khu vực và quốc tế. Báo cáo Môi trường quốc gia hằng năm thường xuyên được xây dựng và phổ biến tới cộng đồng. Hệ thống quản lý thông tin và dữ liệu môi trường phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng đã được thiết lập và phát triển mạnh mẽ. Nhiều tổ chức tình nguyện về môi trường được thành lập, hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình/điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường đã được xây dựng và phát huy hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Hằng năm, Giải thưởng Môi trưởng Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh và khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam.
Tuy vậy, công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:
– Một số các bộ/ ngành, địa phương chưa làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường theo quy định của pháp luật.
– Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức trong giải quyết các vấn đề môi trường và nâng cao nhận thức môi trường.
– Đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường nói riêng còn hạn chế về số lượng, năng lực, khả năng chuyên môn.
– Chưa có được chương trình chung, thống nhất về giáo dục, đào tạo môi trường trong các trường học.
– Chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng mới chỉ dừng ở giai đoạn nhận thức, còn hạn chế khi đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
– Các cơ quan truyền thông còn chưa thực sự phát huy chức năng của mình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Truyền thông về môi trường chưa phát huy hết hiệu quả và chưa được xã hội hóa đúng nghĩa.
3. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường
Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì phát huy những điểm mạnh, bổ khuyết những điều còn hạn chế để làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường. Có thể coi giai đoạn bước tiếp là chuyển biến từ nhận thức thành hành động bảo vệ môi trường, vì vậy cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban/ngành, đoàn thể xã hội, trong đó các cơ quan quản lý môi trường ở cấp trung ương và địa phương.
Các giải pháp chính về giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường bao gồm:
– Thiết lập cơ chế phối hợp cũng như phân rõ trách nhiệm của các bộ/ngành, các cơ quan hữu trách trong nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường.
– Tăng cường năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
– Chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia môi trường phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu… thông qua công tác đào tạo môi trường bậc đại học và sau đại học.
– Tăng cường đầu tư các nguồn lực (nhân lực, tài lực) cho giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường.
Cụ thể:
a) Giáo dục môi trường trong nhà trường
– Thực hiện đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”; đặc biệt chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về môi trường.
– Tăng cường số lượng giáo viên được đào tạo trong lĩnh vực môi trường đồng thời phát triển các công cụ phục vụ giảng dạy về môi trường.
– Thiết lập cơ chế tăng cường công tác điều phối và hợp tác giữa cơ quan quản lý môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các ngành/ địa phương. Xây dựng nhóm công tác liên ngành về giáo dục môi trường.
– Tiếp tục xây dựng và phổ biến, nhân rộng các mô hình trường điểm về “xanh-sạch-đẹp”.
b) Giáo dục môi trường đối với khối cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý môi trường các cấp:
– Có chương trình bồi dưỡng thường xuyên; cung cấp tài liệu cập nhật về các vấn đề môi trường cho cán bộ lãnh đạo, ra quyết định các cấp; Nghiên cứu, lồng ghép giáo dục môi trường trong các chương trình sinh hoạt Đảng bộ các cấp; Đưa nội dung môi trường vào các chưng trình học tập của các trường tuyên huấn, chính trị ở trung ương và các tỉnh/thành phố.
– Tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý môi trường trung ương và địa phương thông qua các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên nhằm cung cấp những kỹ năng giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể/Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ quản lý kỹ thuật.
– Nâng cao năng lực thông qua các hoạt động đào tạo theo chuyên đề hoặc đào tạo chính quy dài hạn, đào tạo cao học cho cán bộ làm công tác giáo dục, truyền thông môi trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cấp tỉnh để các tỉnh/thành phố chủ động tổ chức hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường cho các đối tượng trong tỉnh.
c) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng:
– Tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội, mạng lưới y tế xã, phường trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư. Phát huy hiệu quả và nhân rộng mạng lưới tình nguyện viên làm công tác bảo vệ môi trường.
– Tổ chức và duy trì các phong trào bảo vệ môi trường thiết thực gắn với lợi ích cộng đồng. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình/điển hình về bảo vệ môi trường. Đưa môi trường trở thành một trong những tiêu chí xây dựng và công nhận làng/ấp văn hoá…
– Tăng cường xuất bản các ấn phẩm giáo dục, truyền thông và thông tin môi trường. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phục vụ công tác truyền thông môi trường…
Đảm bảo công tác giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường được thực hiện hiệu quả rất cần thiết phải có các chương trình đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ hằng năm hoặc tổng kết 5 năm, 10 năm. Các chương trình đánh giá nhằm phổ biến, chia sẻ các kinh nghiệm hay, xác định những trở ngại, khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường, từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục.
Tài liệu tham khảo
1) Hoàng Đức Nhuận, Nguyễn Văn Khang. Một số phương pháp tiếp cận giáo dục môi trường. NXB Giáo dục. Hà Nội – 1999. 2) Lê Văn Khoa và nnk. Khoa học môi trường (tái bản lần thứ 7). Hà Nội – 2010. 3) Sổ tay hướng dẫn thực hiện chiến dịch truyền thông môi trường. Cục Bảo vệ môi trường. Hà Nội – 2002. 4) Hội nghị 10 năm công tác giáo dục, đào tạo môi trường. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hà Nội – 2000. 5) Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Các cơ quan báo chí mặt trận và ngành môi trường phối hợp tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường. Hà Nội – 2010. 6) Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Giáo dục biến đổi khí hậu, kinh nghiệm từ châu Âu và Việt Nam. Hà Nội – 2010. 7) Tài liệu tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hà Nội – 2003. |
Bùi Cách Tuyến, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
MTX (theo http://www.environment.hoasen.edu.vn/En/FullPapers.aspx)