Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, năm học 2006 – 2007, toàn tỉnh có gần 130.000 học sinh bậc tiểu học, giảm 302 lớp với hơn 8.300 em so với năm 2005 – 2006. Số lượng học sinh giảm, kéo theo tình trạng thừa giáo viên ở bậc tiểu học lên đến 538 giáo viên.
Không riêng gì các huyện, thị xã ở đồng bằng mà ngay cả các huyện miền núi như Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Đông Giang, Tây Giang cũng thừa từ 20 – 40 giáo viên! Tại TP Đà Nẵng, dù không tổ chức tuyển dụng giáo viên tiểu học suốt 3 năm qua, song tại một số điểm trường vẫn có 2 giáo viên đứng chung một lớp.
Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân chính là do ý thức của người dân trong vấn đề sinh đẻ và chăm sóc con cái đã được nâng lên rõ rệt. Hiện ngành GD-ĐT ở các địa phương đang hết sức phân vân, lo lắng không biết phải giải quyết chuyện thừa giáo viên ra sao? Nếu bố trí hai cô vào một lớp mà sĩ số học sinh quá ít thì không biết lấy tiền đâu để trả lương? Giảm biên chế thì cực kỳ nhạy cảm và quá nhiều rắc rối.
Quan trọng nhất là mỗi năm, số lượng giáo viên thừa mỗi tăng, còn số học sinh tiểu học lại tiếp tục giảm. Trong khi ngành GD-ĐT các địa phương chưa hề chuẩn bị hay được cảnh báo về tình cảnh thiếu – thừa này và cũng chưa đề ra một biện pháp khắc phục sự việc trên ra sao? Hơn nữa, số sinh viên sư phạm ra trường về các địa phương mỗi năm mỗi tăng. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch đào tạo ở bậc học này cho phù hợp.
Hữu Trà