2584
Điều II luật phổ cập giáo dục đã nêu: “ Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân…”. Bậc tiểu học là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, bậc học đào tạo những cơ sở ban đầu cơ bản và bền vững cho trẻ tiếp tục học lên bậc học trên, giúp trẻ hình thành những cơ sở ban đầu , những đường nét cơ bản của nhân cách. Do vậy giáo dục ở bậc tiểu học có tính chất đặc biệt, có bản sắc riêng, với tính sư phạm đặc trưng.
Chính vì vậy việc đào tạo giáo viên tiểu học cần chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp dạy học đặc thù ở tiểu học.
I. NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ ĐÀO TẠO KĨ NĂNG NGHỀ NGHIỆP DẠY HỌC ĐẶC THÙ Ở TIỂU HỌC
1. Căn cứ vào chuẩn giáo viên tiểu học đã được ban hành gồm đầy đủ 3 mặt:
– Phẩm chất đạo đức của người giáo viên.
– Kiến thức.
– Kỹ năng.
2. Căn cứ theo yêu cầu về nội dung và phương pháp giáo dục tiểu học.
Nội dung giáo dục tiểu học phải thực hiện 4 yêu cầu sau:
– Có hiểu biết đơn giản , cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người.
– Có kỹ năng cơ bản về nghe, đọc, nói, viết và tính toán.
– Có thói quen rèn luyện thân thể giữ gìn vệ sinh.
– Có hiểu biết ban đầu về nghệ thuật.
Phương pháp giáo dục tiểu học phải thực hiện theo yêu cầu sau:
- Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh.
- Phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học.
- Bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng , vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
- Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui hứng thú học tập cho học sinh( theo điều 24 luật giáo dục năm 1998).
3. Căn cứ vào chức năng của giáo viên trong thời kỳ đổi mới và hệ thống những năng lực nghề nghiệp của người giáo viên.
Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, có tác động tích cực đến học sinh thông qua bản thân nhân cách của mình. Bản thân nhân cách của người giáo viên có vai trò như một năng lực tổng hợp.Bên cạnh đó người giáo viên cần có những năng lực nghề nghiệp mới. Kết hợp với những năng lực truyền thống. Có thể kể ra những năng lực cần được hình thành cho người giáo viên như :
*Năng lực chẩn đoán: Tức là năng lực phát hiện và nhận biết đầy đủ, chính xác và kịp thời sự phát triển của học sinh, những nhu cầu được giáo dục của từng học sinh. Đối với giáo viên tiểu học đây là năng lực đặc biệt quan trọng vì sự phát triển về các mặt của học sinh ở lứa tuổi tiểu học diễn ra rất nhanh, nhưng lại không đồng đều.
*Năng lực đáp ứng: Đó là năng lực đưa ra được những nội dung và biện pháp giáo dục đúng đắn , kịp thời , phù hợp với nhu cầu của người học và yêu cầu của mục tiêu giáo dục.
*Năng lực đánh giá: Đó là năng lực nhìn nhận sự thay đổi trong nhận thức , kỹ năng thái độ và tình cảm của học sinh.Năng lực đánh giá giúp nhìn nhận tính đúng đắn của chẩn đoán và đáp ứng.
*Năng lực thiết lập mối quan hệ thuận lợi với người khác: Như quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với phụ huynh học sinh và nhất là quan hệ với học sinh.
*Năng lực triển khai chương trình dạy học: Đó là năng lực tiến hành dạy học và giáo dục. Căn cứ vào mục đích và nội dung giáo dục và dạy học đã được quy định, nhưng lại phù hợp với đặc điểm của đối tượng.
*Năng lực đáp ứng với trách nhiệm xã hội: Đó là năng lực tạo nên những điều kiện thuận lợi cho giáo dục trong nhà trường và từ cuộc sống bên ngoài nhà trường.
II. KĨ NĂNG NGHỀ NGHIỆP, KĨ NĂNG DẠY HỌC ĐẶC THÙ TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC
* Hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên các trường sư phạm là hướng đổi mới đồng bộ với việc đổi mới cơ cấu và nội dung đào tạo, đưa trường sư phạm theo đúng hướng đào tạo chuyên nghiệp,đặc biệt là đối với sư phạm tiểu học.
Các trường sư phạm cần phải quan tâm nhiều đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp dạy học cho sinh viên.Đối với đào tạo giáo viên tiểu học cần kiên trì với mục tiêu lấy việc hình thành các kỹ năng của nghề dạy học làm đặc trưng nổi bật cho quá trình đào tạo sư phạm. Giáo viên dạy tiểu học phải được đào tạo nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm ngay từ trong trường đào tạo, người không được đào tạo sư phạm tiểu học không thể dạy được bậc tiểu học.
Đặc trưng của trường sư phạm chính là môn phương pháp dạy học và các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, từ đó hình thành kỹ năng dạy học các môn học và kỹ năng sư phạm chung. Vì vậy việc hình thành các phòng nghiệp vụ sư phạm và được trang bị đầy đủ phương tiện để sinh viên có điều kiện thực hành nghề là rất cần thiết.
*Hệ thống kỹ năng nghề nghiệp cần trang bị cho sinh viên tiểu học gồm 3 nhóm:
-Kỹ năng chuẩn bị giảng dạy, kỹ năng giảng dạy và các kỹ năng ngoài giờ lên lớp.
Các kỹ năng sau đây là cụ thể hóa của các nhóm kỹ năng:
– Kỹ năng thể hiện sự mẫu mực của người giáo viên tiểu học: Do đặc trưng bậc học, người giáo viên tiểu học ngay từ những tiếp xúc ban đầu với học sinh và trong suốt thời gian hành nghề dài lâu, luôn cần có kỹ năng thể hiện, sự mẫu mực ( phong thái, hành vi, cư xử… ) như một trong các điều kiện để hành nghề dạy học.
– Kỹ năng ngôn ngữ sư phạm: Sử dụng ngôn ngữ bảo đảm tính sư phạm, giản dị, trong sáng phù hợp đối tượng.
– Kỹ năng viết chữ, trình bầy bảng: Điểm nổi bật của giáo viên tiểu học so với giáo viên các bậc học khác, phải có kỹ năng viết đúng, viết đẹp, trình bày bảng khoa học, thẩm mỹ trong giờ học.
– Kỹ năng giao tiếp sư phạm: nhằm giải quyết tốt các mối quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ thày trò, quan hệ với phụ huynh học sinh, quan hệ với cộng đồng xã hội và giải quyết tốt quan hệ giữa các học sinh trong lớp.
– Kỹ năng giáo dục: Các kỹ năng tiến hành các hoạt động giáo dục học sinh trong và ngoài giờ lên lớp.
Để hình thành tốt các kỹ năng trên ,sinh viên trong quá trình đào tạo cần phải được tăng cường thực hành theo hệ thống bài tập cụ thể,đồng thời yêu cầu sinh viên sớm gắn bó với giáo dục tiểu học, tăng cường thời gian kiến tập và thực tập sư phạm giúp sinh viên sớm hòa nhập với nghề nghiệp và môi trường dạy học.
– Coi trọng và sớm hình thành kỹ năng tự học của sinh viên, để họ có thể tiếp tục tự trưởng thành trong nghề nghiệp,điều này liên quan mật thiết đến yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới về kiểm tra đánh giá và tiếp cận được những vấn đề mới trong giáo dục.
III. KẾT LUẬN
* Cần tiến hành hiện thực hóa quan điểm “ Trường sư phạm và một trường đào tạo nghề”.Thông qua việc hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp gắn bó chặt chẽ với thực tiễn sống động của trường tiểu học.
*Tăng cường xây dựng và phát triển phòng nghiệp vụ sư phạm , tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện tốt để thực hành nghề .
– Tổ chức kiến tập , thực tập sư phạm một cách hợp lý , đủ về thời gian để hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Hà Văn Khải
TTNCGV – VIỆN NCSP