BCV Trần Thị Hà Giang phát biểu tại khai mạc lớp tập huấn
Theo tinh thần chỉ đạo của Vụ GD tiểu học và Dự án mô hình trường học mới, hoạt động tập huấn về VNEN năm nay tập trung đi sâu phân tích những mặt hạn chế, những khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình, từ đó chia sẻ, thảo luận để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả. Lớp tập huấn được tổ chức đúng như lớp học VNEN, có nghĩa là học viên được ngồi học theo các nhóm và thực hiện các hoạt động học như một học sinh thực thụ.
Chuyên gia trưởng dự án Đặng Tự Ân trải nghiệm và chia sẻ cùng các học viên
Không có “chìa khóa” chung để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình VNEN ở các nhà trường, các địa phương. Tuy nhiên, do các địa phương trong mỗi cụm tỉnh có đặc điểm tương đồng, nên những ý kiến chia sẻ, những bài học thành công của đồng nghiệp trao đổi tại các lớp tập huấn thực sự có ý nghĩa và có tính thực tiễn cao. Đặc biệt, đợt tập huấn này, các lớp tập huấn đã thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Vụ giáo dục tiểu học và Ban quản lý dự án, đó là: “báo cáo viên không giảng giải lý thuyết”, không trả lời trực tiếp ngay các câu hỏi của học viên, mà phải đồng hành cùng học viên trải nghiệm, thực hành, ứng dụng kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của thực tế. Chính thông qua trải nghiệm và hoạt động thực tế đã giúp các học viên, kể cả báo cáo viên thêm một lần nữa hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của mô hình mới, rút ra được cách làm phù hợp, không chỉ trong việc tổ chức hoạt động học của học sinh, mà còn trong hoạt động tập huấn, hướng dẫn các đồng nghiệp tại trường sau này.
Học viên với hoạt động giáo dục tại lớp tập huấn
Thông qua các bảng hỏi, hầu hết các học viên đều đánh giá đợt tập huấn rất hiệu quả, giúp họ sáng tỏ nhiều điều về Mô hình trường học mới mà lâu nay có những điều thực hiện chưa hiểu thấu đáo, thậm chí còn mơ hồ. Đó là việc tổ chức và phát huy vai trò của Hội đồng tự quản học sinh nhằm tạo ra môi trường học tập dân chủ, tự quản, nhân văn. Đó là việc khai thác sử dụng các công cụ: góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học một cách linh hoạt, sáng tạo phục vụ hoạt động học của học sinh…Đặc biệt, tại đợt tập huấn này, các học viên đã được trao “Công cụ nghiên cứu bài hướng dẫn học”. Nhờ nó, khi về các nhà trường, người giáo viên chủ động hơn, sáng tạo hơn khi nghiên cứu và chuẩn bị bài dạy.
Trong tháng 8 này, hoạt động tập huấn giáo viên dạy mô hình VNEN tiếp tục được tổ chức ở cấp trường. Đây là nơi trực tiếp thực thi các giờ dạy, đối mặt với vô vàn khó khăn, vì vậy Ban quản lý dự án trung ương yêu cầu Ban quản lý dự án các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch tập huấn cấp trường, đảm bảo tăng cường năng lực cho tất cả cán bộ giáo viên các trường VNEN, để triển khai có kết quả mô hình VNEN đối với lớp 5 năm học 2014-2015. Trước hết tập trung chia sẻ, tháo gỡ những băn khoăn vướng mắc mà giáo viên dạy VNEN đang vấp phải, làm sao để từng giáo viên biết cách chuyển từ dạy học theo lối thuyết giảng, đồng loạt sang hướng dẫn học sinh tự học và quan tâm hỗ trợ đến từng học sinh. Lưu ý rằng: Báo cáo viên không giảng giải lý thuyết, mà chủ yếu dành thời gian cho hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, tạo điều kiện cho từng giáo viên trải nghiệm, chia sẻ để hình thành kiến thức,kỹ năng, cũng như việc thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Quan trong hơn, các nhà trường có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động tự học thường xuyên và không ngừng sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong quá trình thực hiện mô hình VNEN.
Tập huấn giúp tôi sáng ra nhiều điềuSuốt 5 ngày tập huấn vừa qua, chúng tôi được trải nghiệm và chia sẻ cùng nhau những ý kiến, kinh nghiệm, để rồi tự mỗi người rút ra cách làm phù hợp. Qua nghe các ý kiến của các đồng nghiệp tôi thấy sáng ra nhiều điều. Mặc dù bản thân cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn khi triển khai mô hình VNEN, nhưng không tự xâu chuỗi lại được. Nay, được nghe các đồng nghiệp chia sẻ, tôi đã hệ thống lại một số giải pháp mà mình đã làm và tới đây sẽ làm. Trong rất nhiều khó khăn từ Sở, phòng, trường và của GV đưa ra bàn luận, thì vấn đề đáng quan tâm nhất là làm sao giúp học sinh tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức . Đó là cái đích quan trọng nhất. Nếu không đi tập huấn, thì khó mà làm được. Nhất là với các trường nhân rộng. Vì vậy GV ở các trường nhân rộng cũng phải được Sở, Phòng tập huấn thì mới biết mà làm. Trong rất nhiều khó khăn chúng tôi đã chia sẻ với nhau tại lớp tập huấn, thì khó khăn nhất vẫn là làm thế nào nâng cao năng lực , nhiệt huyết của người GV lên, làm sao từ bỏ được tư duy cũ, lối dạy truyền thụ áp đặt một chiều đã ăn sâu trong đội ngũ GV chúng ta và mục tiêu hướng đến là học sinh phải tự học một cách đích thực…Mỗi lần được tham gia tập huấn, tôi càng thấy say mê và tin tưởng vào sự thành công của mô hình VNEN.
Nguyễn Thị Thanh Thúy Chuyên viên phòng giáo dục Tam Kỳ, Quảng Nam |
Nguồn: http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/portal.php?soct&mod=news&new=6349