Đánh giá không điểm số: Vai trò của lãnh đạo nhà trường là yếu tố quyết định
img02_SSDB
GD&TĐ – So với các trường công lập, việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT ở các trường ngoài công lập có những thuận lợi nhất định.

Chính vì thế mà khi bắt đầu tiếp nhận Thông tư cũng như triển khai cho các khối lớp, BGH nhà trường cũng như các GV của Trường Tiểu học Việt Mỹ VASS – Thành viên Hệ thống trường Việt Mỹ-VASS ở TPHCM đã đón nhận một cách nhẹ nhàng, và bước đầu thực hiện có hiệu quả.

Đó chính là chia sẻ của cô Phạm Thị Tuynh – Hiệu trưởng Trường TH Việt Mỹ qua cuộc trao đổi với PV báo Giáo dục và Thời đại.

Coi trọng từng lời nhận xét, đánh giá

Từ nhiều năm trước, Trường TH Việt Mỹ ngoài việc chấm điểm cho HS, thì BGH nhà trường cũng thường xuyên căn dặn các GV phải đi kèm với lời phê để vừa động viên kịp thời các HS giỏi, tốt, vừa chỉ ra cho những em còn yếu hơn phương hướng để thực hiện.

Nên khi Thông tư 30 được ban hành, cô Phạm Thị Tuynh nói: “Chúng tôi đón nhận Thông tư cũng nhẹ nhàng lắm, vì trước đây trường cũng đã có lời phê cùng với điểm, nhưng giờ thực hiện ở cấp cao hơn. 

Tức là các giáo viên bỏ số điểm đi, và đánh giá HS bằng 3 nội dung chính. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến nội dung đánh giá. Bởi vì bản thân tôi luôn quan niệm rằng: Mình làm nghề giáo, nếu mình đánh giá sai, đánh giá chưa đủ, đánh giá nhận xét hời hợt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học trò”.

Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận Thông tư, Ban Giám hiệu Trường TH Việt Mỹ đã gửi văn bản đến tất cả các GV, sau khi lãnh đạo nhà trường triển khai, các GV sẽ có một tuần để chuẩn bị.

Theo đó, BGH cùng với các GV phải xây dựng một “ngân hàng” lời phê, nhận xét mang tính chất tham khảo. Cụ thể. Nếu HS ở mức độ Giỏi, các GV phải nhận xét những câu như thế nào. Các em ở Khá, Trung bình, Yếu lời phê, nhận xét ra sao.

Sau một tuần khi các GV họp bàn và nêu ra những ý kiến của mình, BGH Trường TH Việt Mỹ sẽ đóng vai là những phụ huynh để phản biện lại sau khi các cô giáo phê, nhận xét đối với học sinh.

“Lãnh đạo nhà trường sẽ đóng vai trò là phụ huynh hỏi về những lời phê, có cô giáo giải thích rất tốt, nhưng có GV lại giải thích chung chung, khi đó lãnh đạo nhà trường nắm bắt được thêm  rằng: 

Phụ huynh thường thắc mắc và yêu cầu như thế nào đối với lời phê, đó chính là sự tỉ mỉ, đó chính là sự chính xác, đó là việc các GV phải chỉ cho các em phương hướng, cách để khắc phục những lỗi nhỏ, những điểm yếu mà các em trong quá trình học tập, rèn luyện”.

Ngoài ra, BGH nhà trường cũng phải suy nghĩ và tìm tòi để hướng dẫn cho các GV rằng, tùy từng mức độ của học sinh mà các cô sẻ sử dụng lời phê hợp lý với từ: Con PHẢI. Khi nào nên  sử dụng từ: Con NÊN. Hay từ: Con CẦN…

“Chúng tôi coi trọng nhất chính là những lời phê, đánh giá của GV với các em HS. Các cô ngoài việc đánh giá trực tiếp ngay ở lớp, đánh giá trong tập vở, chia sẻ với lãnh đạo nhà trường. 

Nhưng những lời đánh giá, nhận xét, lời phê đó phải thực sự là những lời tâm huyết, đúng với năng lực, phẩm chất của từng HS. Nếu đánh giá chung chung, rập khuôn và đánh giá để đối phó thì điều này sẽ đi phản lại tác dụng với mục đích mà Thông tư hướng tới”.

Vai trò của người quản lý

Để nắm rõ tình hình thực hiện Thông tư 30 đối với các GV, cô Tuynh nói: “Tôi nghĩ vai trò người quản lý rất quan trọng. Không phải đến bây giờ, mà trừ trước nay tôi vẫn thường xuyên xuống từng lớp trò chuyện với các GV, trò chuyện với HS nắm tình hình học tập các em.

Nhiều khi GV phản ánh là một phần, nhưng mình phải trao đổi với học trò đê có thêm kênh thông tin, nhất là trao đổi với phụ huynh xem ở nhà các bé có ngoan không, hôm nay con bệnh hay là tối qua con ngủ muộn… làm ảnh hưởng đến bài học của con hôm nay”.

Như vậy khi thực hiện Thông tư 30, đây chính là điều thuận lợi của nhà trường. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ với các đồng nghiệp khác của mình rằng ở trường NCL sĩ số HS mỗi lớp khá ít (tầm từ 15 – 10 em) nên việc GV đưa ra nhận xét, đánh giá hay lãnh đạo nhà trường tiếp xúc gặp gỡ có những thuận lợi hơn.

Cũng theo cô Tuynh, từ việc gặp gỡ học trò, từ việc trao đổi với phụ huynh và nghe các GV nhận xét về từng em, với vai trò là người lãnh đạo, hàng tuần, hàng tháng cô hoàn toàn có thể nắm bắt được sự tiến bộ trong học tập của từng em.

Ngoài ra, cô cho biết, ban đầu phụ huynh của Trường TH Việt Mỹ cũng có những câu hỏi mang tính xây dựng. Theo đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều đồng ý với tính tích cực mà Thông tư 30 của Bộ đề ra, nhưng họ cũng có những băn khoăn “về lâu dài, năng lực của con em rất khó nắm, ngoài ra họ còn góp ý rằng nhà trường có thể dùng mức A, B, C, D như chương trình nước ngoài mà các em đang học để đánh giá không?”.

Nhà trường cũng đã có những giải thích cụ thể, rằng việc áp dụng Thông tư là cho tất cả các trường trong cả nước. Rõ ràng nếu phụ huynh chúng ta thường xuyên theo dõi con sẽ thấy được những lời đánh giá, nhận xét thực sự tâm huyết của GV trong trường.

Bên cạnh đó, ở lớp, nếu là một GV có tầm, có tâm, họ hoàn toàn có thể có cách nhận xét để cho các con biết, “à mình làm bài tốt, làm bài nhanh, cô và các bạn khen con nào. Hôm nay con rất hăng say phát biểu..”  (nó giống như mình đang ở mức độ A+).

Cô Tuynh cũng lấy ví dụ để giải thích thêm cho phụ huynh: Bình thường, có em HS A lười làm bài, rõ ràng điều này cô giáo sẽ cho điểm kém. Rồi dần dần em HS này tiến bộ, cô giáo sẽ cho điểm 7, điểm 8. 

Có vài phụ huynh cũng có thể sẽ băn khoăn: Sao lại 5 và đi truy ra nguyên nhân điểm thấp. Hôm nay cháu được 7, được 8, cảm thấy mừng hơn và yên tâm, không quan tâm vì sao cháu chưa được điểm 10 chẳng hạn.

Ví thế, khi đánh giá và nhận xét, cô giáo sẽ giúp phụ huynh nắm rõ về câu hỏi trên: “Con đã thường xuyên làm bài tập về nhà, làm đúng và con cần phát huy điều này nhé. Tuy nhiên, con cần chú ý chính tả trong bài làm”.

Ngoài ra, với nội dung đánh giá theo Thông tư 30, theo cô Tuynh, thay vì những điểm số tròn trĩnh cụ thể, ngoài năng lực học tập của các con phụ huynh có thể thông qua lời nhận xét, lời khen của GV với 3 nội dung đánh giá để thấy được rằng, trong giờ ngoại khóa, con rất năng nổ, nhiệt tình con giúp đỡ các bạn nữ trong tổ cầm ba lo…; con có nhiều ý kiến rất hay, sáng tạo trong giờ sinh hoạt nhóm…

Bên cạnh đó, để giúp phụ huynh nắm rõ hơn nữa, ngoài đánh giá các em, BGH Trường TH Việt Mỹ đã hướng dẫn các GV thường xuyên liên lạc qua điện thoại với phụ huynh. 

Cụ thể như: ngày thứ Hai, cô giáo sẽ gọi điện thoại cho 5 phụ huynh của 5 em để chia sẻ. Ngày thứ Ba sẽ 5 em còn lại và đến cuối tuần, tất cả các phụ huynh đều được nhận được điện thoại của cô giáo để chia sẻ, trao đổi. 

Tuy nhiên, theo cô Tuynh, điều này cũng rất linh hoạt, tùy vào tình hình học tập của các em trên lớp, chứ không thể rập khuôn, mặc định là cứ tới thứ Hai là 5 phụ huynh đó, tới thứ Ba là các phụ huynh này.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng có thể tự đánh giá con em mình như “Cô ơi, ở nhà tôi thấy bé viết nắn nót. Sao lên lớp bé lại viết bài rất vội…”. Khi đó, giáo viên lại có thêm thông tin để tìm hiểu HS. 

Hay như  từ chia sẻ của phụ huynh rằng hôm nay cháu sốt, cháu đau bụng, cháu đi chơi xa về thì cô giáo sẽ nắm được những yếu tố ngoài tác động đến việc học của cháu hôm nay.

Nếu những phụ huynh đi công tác nước ngoài hay bận rộn, nhà trường đều yêu cầu các giáo viên trao đổi qua email.

“Chúng tôi làm tất cả vì học sinh của mình. Làm sao đó các em sẽ nhận được những lời phê, nhận xét tâm huyết nhất của GV” – Cô Tuynh khẳng định.

Thảo Nguyên

Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/danh-gia-khong-diem-so-vai-tro-cua-lanh-dao-nha-truong-la-yeu-to-quyet-dinh-544471-c.html.