Ba vấn đề cần quan tâm để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt hiệu quả

 

Một buổi học ngoài giờ lên lớp của Trường tiểu học Kim Hòa A

Một buổi học ngoài giờ lên lớp của Trường tiểu học Kim Hòa A

GD&TĐ – Là một trong những trường thực hiện thành công nhất dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình SEQAP,  Trường tiểu học Kim Hòa A (Cầu Ngang, Trà Vinh) đã có được những kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo cô Lâm Ngọc Cẩm – Hiệu trưởng, thứ nhất để tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày thì cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng, đặc biệt là hệ thống phòng học. Phòng học nên quan tâm đến việc trang trí, sắp xếp sao cho học sinh cảm thấy lớp học như là một phòng học ở nhà của các em.

Trong lớp nên lựa chọn bàn đôi, ghế một chỗ ngồi để thuận lợi cho việc tổ chức các hình thức học tập được đa dạng và phong phú.

Thứ hai, đối với đội ngũ giáo viên, Ban Giám hiệu phải biết tạo điều kiện để họ tiếp tục được học nâng cao và tổ chức các chuyên đề, thao giảng. 

Ngoài ra, giáo viên phải hiểu được mục tiêu nguyên tắc của việc dạy học 2 buổi để định hướng cho những thiết kế bài dạy phù hợp theo từng đối tượng học sinh và dạy theo nhu cầu người học một cách hợp lý.

Giáo viên phải biết tạo điều kiện và động viên, khích lệ học sinh thảo luận nhóm, sắm vai, sưu tầm, mạnh dạn phát biểu, tăng cường trò chơi học tập để các em không ngồi học thụ động dễ gây mệt mỏi .

Riêng buổi học thứ hai, giáo viên cần có hướng bồi dưỡng thích hợp đối với từng em học sinh nhằm bổ sung những thiếu hụt về kiến thức; đồng thời đây cũng là dịp để giáo viên có thời gian gần gũi, gắn bó với học sinh hơn còn các em thì được thầy, cô, bạn bè giúp đỡ giải quyết bài tập trong ngày mà không phải mang về nhà để làm.

Ngoài ra, giáo viên cần phải biết tranh thủ sự hợp tác của đồng nghiệp, trong giờ học chuyên môn, giáo viên trong tổ thảo luận, góp ý, bổ sung nhằm lựa chọn nội dung dạy học buổi thứ 2 chất lượng hơn.

Đồng thời, cần phối hợp với giáo viên bộ môn năng khiếu, tổng phụ trách đội để quản lý tốt nề nếp học sinh, nhất là trong 15 phút đầu giờ, hình thành kỹ năng tự quản ở các lớp. Mặt khác, cần biết phối hợp với cha mẹ học sinh để trao đổi thông tin 2 chiều, kịp thời uốn nắn giáo dục các em.

Thứ ba, tổ chức hoạt động ngoại khóa. Theo kinh nghiệm của cô Cẩm, thì việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cần được quan tâm và đầu tư hơn, bởi đây chính là dịp để học sinh được thực hành, luyện tập, được trực tiếp mắt thấy, tai nghe những gì mà các em đã học trên lớp. Kinh nghiệm của cô Cẩm là, ít nhất mỗi năm nhà trường tổ chức 1 hoạt động ngoại khóa với quy mô lớn.

Theo đó, nhà trường thường tổ chức cho các em đến là Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, Khu di tích ao Bà Ôm, lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Bác Hồ… Sau mỗi chuyến đi, nhà trường thường tổ chức cho các em viết bài nói lên suy nghĩ, cảm tưởng, bài học mà các em cảm nhận được.

Song theo cô Cẩm, điều quan trọng là nhà trường phải đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30/2014/BGDĐT, cải tiến nội dung, chương trình phù hợp với hình thức dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện.

Minh Phong (ghi)

Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ba-van-de-can-quan-tam-de-to-chuc-day-hoc-2-buoingay-dat-hieu-qua-932471-v.html