Học sinh Trường tiểu học Olympia
Giúp trẻ tự kiểm soát bản thân, học tập
Theo cô Nguyễn Thị Tâm, tự kiểm soát là một trong những chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Một người biết tự kiểm soát, lùi lại một một bước để suy nghĩ không những khiến bản thân tránh khỏi những quyết định sai lầm mà còn giúp tạo dựng được những mối quan hệ bền vững dựa trên sự thấu cảm.
Giáo dục trẻ học cách tự kiểm soát bản thân ngay từ nhỏ sẽ giúp hình thành khả năng này trong tương lai.
Cô Nguyễn Thị Tâm cho biết: Trường Olympia đưa chương trình Kết nối (RECAP) vào giảng dạy từ năm học 2014 – 2015. Đây là môn học giúp học sinh dần hình thành ý thức tự chủ thông qua quá trình giải quyết vấn đề.
Theo đó, trước mỗi tình huống, điều đầu tiên học sinh cần làm là nhận diện cảm xúc, xác định điều mình thực sự mong muốn. Tiếp đó, đưa ra các phương án giải quyết, xem xét hệ quả của từng phương án và lựa chọn phương án đúng với điều học sinh thực sự mong muốn trước đó.
“Điều quan trọng nhất trong quá trình này là những mong muốn, phương án giải quyết hay lựa chọn đều phải xuất phát từ chính bản thân con và do con quyết định.
Đan xen trong đó, học sinh cũng được học các bài học để xác định đâu là hành vi thân thiện, đâu là hành vi không thân thiện, các chiến lược để thư giãn và bình tĩnh” – cô Nguyễn Thị Tâm lưu ý.
Cũng với chương trình này, mỗi ngày học sinh đều có một giờ tự học để nhìn lại các hoạt động đã diễn ra. Đồng thời, dành thời gian lên kế hoạch cho khoảng thời gian còn lại trong ngày, giúp hình thành khả năng tự làm việc – chính là lựa chọn, phân bổ những công việc cần làm vào các khoảng thời gian hợp lý.
“Các con có thể đọc tiếp một cuốn sách còn dở dang tại tủ sách thư viện của lớp học hay có thể hoàn thành bài tập được giao” – cô Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Học sinh là chủ nhân của lớp học
Nhấn mạnh vai trò làm chủ lớp học của học sinh, cô Nguyễn Thị Tâm cho rằng, mỗi học sinh cần được phát huy tính dân chủ của mình, tự thảo ra những quy tắc cần thiết để duy trì môi trường mong đợi (hòa bình, yêu thương, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau). Sau khi hoàn thành ý tưởng, các con sẽ tự tay làm poster và dán lên tường.
Với mâu thuẫn cá nhân thì thầy cô giáo hoặc các bạn khác trong lớp sẽ đóng vai trò là người hòa giải để hai bên đối thoại, thể hiện được mình quan tâm và lắng nghe cảm xúc của đối phương, tìm ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn, đồng thuận thực hiện giải pháp đã đề ra.
Với khó khăn cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng, cả lớp sẽ cùng ngồi vòng tròn sinh hoạt lớp. Khi học sinh sẵn sàng chia sẻ trước cả lớp, khó khăn của bản thân có thể sẽ là kinh nghiệm cho các bạn khác, vấn đề của cả lớp…
Học sinh được tập luyện lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác, cùng chia sẻ, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, lựa chọn các giải pháp và thống nhất hệ quả tương ứng cho những hành vi không phù hợp.
“Các con chính là người làm chủ cuộc sống của mình sau này và trường học cũng là một phần của cuộc sống đó. Bởi vậy, những kỹ năng về tự chủ các con chắt chiu ngày hôm nay sẽ là hành tranh bền vững nhất giúp các con tự tin và thành công trong tương lai” – cô Nguyễn Thị Tâm khẳng định.