Chỉ đạo thực hiện Thông tư 30: Tránh cứng nhắc, áp đặt
1_MHTS

Chỉ đạo thực hiện Thông tư 30: Tránh cứng nhắc, áp đặt

 

GD&TĐ – Các trường tiểu học tại Bình Phước sau một thời gian triển khai Thông tư 30 đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số trường, vẫn còn tình trạng chỉ đạo máy móc, cứng nhắc, áp đặt, không phù hợp với thực tiễn đổi mới.

Đây là nhận định của Sở GD&ĐT Bình Phước sau quá trình nắm tình hình, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp Thông tư 30 cho phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, các trường tiểu học trên địa bàn.

Ông Hồ Trọng Đường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước – cho biết: Chính cách chỉ đạo máy móc, cứng nhắc, áp đặt, không phù hợp với thực tiễn đổi mới dẫn đến giáo viên bị áp lực trong việc thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Bên cạnh đó, ở một số trường, giáo viên chưa hiểu hết tinh thần chỉ đạo của các cấp trong việc thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét, có tâm lý băn khoan, lo lắng, ghi chép nhận xét tất cả các học sinh vào sổ ghi chép cá nhân, sổ theo dõi chất lượng giáo dục (đặc biệt là đối với giáo viên bộ môn) dẫn đến quá tải trong công việc, …

Tuyệt đối không quy định “cứng” số lượng, nội dung nhận xét

Để thực hiện tốt đánh giá học sinh bằng nhận xét theo Thông tư 30 trong thời gian tiểp theo, theo ông Hồ Trọng Đường, Sở GD&ĐT Bình Phước đã yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã chỉ đạo các trường tiểu học tiếp tục thực hiện các giải pháp về việc đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Trong đó, lưu ý Ban giám hiệu các trường phải giải thích rõ cho giáo viên: Việc đánh giá học sinh không phải chỉ có ghi nhận xét mà bao gồm các hoạt động theo dõi quá trình, quan sát, hoạt động kiểm tra, trao đổi, hướng dẫn, động viên, nhận xét học sinh.

Việc nhận xét được thực hiện linh hoạt, tùy thuộc vào hoàn cảnh học tập, nội dung học tập và sản phẩm học tập, hoàn cảnh cụ thể của học sinh.

Giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể nhận xét bằng “lời nói” hoặc “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu câu của việc đánh giá thường xuyên băng nhận xét;

Đồng thời, được quyền chủ động viết nhận xét vào vở, phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh và để phối hợp, chia sẻ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh dạy dỗ con cái.

Việc ghi nhận xét trong sổ ghi chép cá nhân, sổ theo dõi chất lượng giảo dục cũng được lưu ý: Chủ yếu là để tự giáo viên ghi nhớ thông tin, dự kiến những biện pháp giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập, hoạt động giáo dục khác hoặc những học sinh chưa có sự tiến bộ, có biểu hiện sa sút về học tập;

Áp dụng biện pháp khuyến khích những học sinh đã hoàn thành tốt, những học sinh có năng khiếu đặc biệt cần được bồi dưỡng, phát triển năng lực của học sinh.

“Sở nhấn mạnh: Ban Giám hỉệu các trường tiểu học tuyệt đối không quy định “cứng” về số lượng, nội dung nhận xét của giáo viên trong quá trình đánh giá thường xuyên học sinh, gây khó khăn cho giáo viên, khiến giáo viên cảm thấy nặng nề, áp lực khi thực hiện.

Hướng dẫn giáo viên chỉ ghi nhận xét những gì thật cần thiết, chỉ ghi với những học sinh cần lưu ý đặc biệt, số lượng nhận xét, nội dung nhận xét là tùy thuôc vào tình hình cụ thề của hoc sinh và do giáo viên quyết định” – ông Hồ Trọng Đường cho biết.

Tạo sợi dây gắn kết phụ huynh và nhà trường

Trong triển khai thực hiện Thông tư 30 thời gian tới, Sở GD&ĐT Bình Phước cũng nhấn mạnh nội dung nhà trường, giáo viên cần tạo mối liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh, cộng đồng để phối hợp giáo dục các em thông qua trao đối trực tiếp, điện thoại, email, sổ liên lạc,…

Giáo viên cũng cần thường xuyên đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và hạn chế của học sinh; trao đổi với cha mẹ học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của các em.

Trong sổ liên lạc có trang thông báo kết quả học tập cuối học kỳ I, cuối năm học của học sinh trùng với nội dung trong Học bạ, Ban giám hiệu nhà trường không rập khuôn, máy móc bắt giáo viên chủ nhiệm phải ghi chép lại mà giáo viên có thể photocopy kết quả học tập của học sinh trong Học bạ, gắn kèm vào sổ liên lạc để trao đổi, phối hợp với cha mẹ học sinh, cùng giáo dục các em.

Trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện Thông tư 30, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã phải luôn lắng nghe các ý kiến trao đổi, góp ý từ các cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và nhân dân để có sự tư vấn, hỗ trợ, giải thích kịp thời;

Tránh việc hiểu nhầm dẫn đến làm sai quy định của Thông tư. Trong trường hợp còn băn khoăn, vướng mắc, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã cần phản ánh ngay về Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT để được hỗ trợ kịp thời – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT  Bình Phước Hồ Trọng Đường 

Hiếu Nguyễn

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chi-dao-thuc-hien-thong-tu-30-tranh-cung-nhac-ap-dat-766129-v.html