Chuyển biến tích cực từ mô hình VNEN ở Thanh Trì
22_images668283_vnen
(HNMO)- Sau một năm học thí điểm thành công mô hình dạy VNEN ở 4 lớp tại trường tiểu học Tả Thanh Oai, năm học 2013-2014, thành phố Hà Nội đã quyết định triển khai nhân rộng mô hình trường học mới tại 50 trường tiểu học trên địa bàn 15 quận, huyện. Ghi nhận từ các trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy, mô hình VNEN đã thực sự tạo ra những chuyển biến tích cực trong cách dạy và học của giáo viên và học sinh.

Huyện Thanh Trì có 19 trường (18 trường tiểu học và 1 trường dạy trẻ Khuyết tật). Năm học 2013-2014, toàn huyện có 449 lớp với 18.799 học sinh, trong đó có 86 lớp của 18 trường tiểu học được học tập theo mô hình trường học mới (6 lớp khối 4; 39 lớp khối 3; 41 lớp khối 2). Trong đó, trường Tiểu học Tả Thanh Oai thực hiện tại 20 lớp ở các khối 2, 3, 4; các trường còn lại chỉ thực hiện ở khối 2 và khối 3.

Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Đào Tự Lý, khi triển khai thực hiện mô hình dạy VNEN tại các trường tiểu học trên địa huyện có được những thuận lợi cơ bản như nhiều trường đã được xây mới đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 13/19 trường tiểu học được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1. 100% giáo viên có trình độ chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn chiếm 94%. Các giáo viên được chọn dạy các lớp VNEN có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh học sinh rất quan tâm đến việc học tập của con em mình, ủng hộ nhiệt tình, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giáo dục con em, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô giảng dạy tốt nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khi triển khai mô hình còn gặp phải một số khó khăn nhất định, như: Số học sinh hàng năm tăng nhanh, trong khi một số nhà trường chưa đáp ứng kịp thời về cơ sở vật chất, thiếu phòng học nên sĩ số học sinh/ lớp cao (50 học sinh/ lớp); bàn ghế ở một số lớp chưa đúng quy định; một số đầu sách của học sinh và đồ dùng dạy học còn thiếu. Học sinh lớp 2 còn nhỏ, khả năng đọc hiểu còn hạn chế nên thời gian đầu học theo phương pháp mới gặp nhiều khó khăn. Khả năng nhận thức của học sinh không đồng đều. Một số học sinh tiếp thu chậm (do trí tuệ chậm phát triển, khả năng ghi nhớ kém, tự kỉ) không đáp ứng được yêu cầu học tập. Một số phụ huynh học sinh còn lo lắng về khả năng tiếp thu của học sinh khi học theo phương pháp mới, chưa tin tưởng về chất lượng, cách thức tổ chức hoạt động của mô hình nên chưa nhiệt tình ủng hộ.

Để triển khai thực hiện mô hình VNEN hiệu quả, trước khi bước vào năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã tổ chức tập huấn về mô hình trường học mới Việt Nam cho 100% cán bộ quản lí, giáo viên trực tiếp dạy lớp VNEN trong năm học 2013-2014. Bên cạnh đó, tổ chức các chuyên đề dạy học theo mô hình trường học mới tại trường tiểu học Tả Thanh Oai ở tất cả các môn học để các trường học tập. Qua chuyên đề, các nhà trường thực hiện giảng dạy theo phương pháp VNEN ở các lớp thí điểm ngay tuần đầu năm học. Tiếp đến, tháng 11-2013, tổ chức các chuyên đề dạy học theo cụm trường. Sau chuyên đề, các trường hội thảo trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề còn vướng mắc để cùng nhau thống nhất về phương pháp giảng dạy.

Lớp học theo mô hình VNEN ở trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội)

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện còn tổ chức các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn về phương pháp giảng dạy theo mô hình trường học mới. Qua chuyên đề, các trường xây dựng nội dung trọng tâm sinh hoạt chuyên môn về phương pháp dạy học mới. Tổ chức các chuyên đề cấp trường với các nội dung: tổ chức lớp học VNEN, đồ dùng dạy học, phương pháp giảng dạy của giáo viên, hướng dẫn học sinh cách học theo phương pháp mới. Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy và hướng dẫn học sinh cách học hiệu quả với phương châm: chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh. Học sinh biết sử dụng tài liệu hướng dẫn học tập, biết cách học cá nhân, học nhóm đôi, nhóm lớn, biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn.

Quá trình thực hiện, các giáo viên đã chủ động tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn. Giáo viên rèn luyện kĩ năng quan sát, hỗ trợ và hướng dẫn học sinh khi cần thiết, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và cộng đồng để cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường. Ban giám hiệu các nhà trường thường xuyên thăm lớp, dự giờ để nắm bắt tình hình tổ chức lớp học, giảng dạy của giáo viên, khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, sự tương tác giữa các học sinh trong nhóm, giữa các nhóm học sinh với nhau. Trên cơ sở đó có những ý kiến chỉ đạo kịp thời giúp cho việc quản lý hoạt động này đi đúng hướng và giúp cho giáo viên tổ chức giảng dạy đạt hiệu quả.

Nhìn chung, ngay từ đầu năm học, giáo viên tại các lớp áp dụng mô hình VNEN đã phân nhóm học sinh hợp lý, rèn nề nếp học tập, kĩ năng điều hành cho hội đồng tự quản, nhóm trưởng… Thực hiện luân phiên thành viên hội đồng tự quản, đội ngũ nhóm trưởng và cơ cấu nhóm để nhiều học sinh trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, học sinh được hợp tác với tất cả các bạn trong lớp. Các giáo viên đã linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập, hình thức học tập cho phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình phụ trách. Trong các tiết học, giáo viên ghi chép nhật kí cụ thể ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi gặp những vướng mắc về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo tài liệu. Có sổ nhật ký ghi nhận xét kết quả học tập của học sinh qua từng bài, từng thời điểm cụ thể; thường xuyên khen ngợi, khích lệ học sinh trong học tập. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo đồ dùng học tập (phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan); dự kiến tình huống trả lời của học sinh để giải quyết kịp thời, hiệu quả; chuẩn bị đáp án các câu hỏi, bài tập chính xác để kiểm tra kết quả bài làm của học sinh.

Theo ông Đào Tự Lý, mô hình này đã giúp giáo viên năng động hơn trong giảng dạy, nâng cao được tính tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi kiến thức thực tế cho bản thân, giúp giáo viên đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng từng học sinh về tất cả mọi mặt ở từng hoạt động.

Trên thực tế, học sinh các lớp VNEN chủ động hơn, biết xây dựng kế hoạch, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô qua các hòm thư , nhịp cầu bè bạn… học sinh có thói quen làm việc theo 10 bước học tập. Các em học sinh lớp 2 đã biết tích cực học cá nhân, nhóm đôi. Ở lớp 3 và 4, các em nhóm trưởng có khả năng chỉ đạo nhóm rất tốt.

Có thể nói, sau một năm áp dụng dạy và học theo phương pháp mới, tốc độ làm bài kiểm tra của học sinh nhanh hơn. Ngoài đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản của môn học, học sinh được hình thành và phát triển năng lực tự học. Học sinh được làm việc tích cực hơn nên khả năng hợp tác khi học nhóm rất tốt; được tranh luận, tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn hiệu quả. Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Qua kiểm tra, chất lượng của các lớp VNEN tốt hơn so với các lớp bình thường; tỷ lệ học sinh khá, giỏi của các lớp VNEN cao hơn các lớp bình thường.

Ngày 04/06/2014
Minh Huệ
Nguồn hanoimoi.com.vn