Ông nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức đối với ngành Giáo dục khi Quốc hội thông qua Nghị quyết mới về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông?
– Về cơ hội, theo tôi, đây là điều kiện hết sức quan trọng để các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp ủy Đảng có một tư duy mới, nhận thức mới về đổi mới giáo dục.
Đây thực sự là cuộc đổi mới căn bản toàn diện, từ triết lý, mục tiêu, cho đến nội dung chương trình, rồi cách thức tổ chức dạy học và đánh giá.
Đặc biệt, sự chuyển đổi này thay đổi hẳn hành động, suy nghĩ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội.
Tôi cho rằng, nếu bây giờ không làm thì vài chục năm sau, thậm chí, thế kỷ sau, chất lượng giáo dục không thể thay đổi được. Phải có cuộc cách mạng này mới hy vọng chất lượng con người Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế.Về thách thức, cản trở lớn nhất hiện nay chính là vấn đề trong mỗi con người, từ giáo viên, học sinh, phụ huynh đến mỗi gia đình và toàn xã hội, với thói quen học kiểu cũ, dạy kiểu cũ, với nhận thức học vấn chưa đi vào thực chất năng lực.
Nên, để chuyển từ trang bị kiến thức sang hình thành năng lực, tôi cho rằng, mỗi người phải tự vượt qua chính mình. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, trong mỗi người đều có một cái “phanh”, phải tháo gỡ ra được mới có thể thành công trong chiến lược này. Thói quen cũng là thách thức lớn mà việc điều chỉnh thực sự rất khó khăn.
Cũng phải nói đến sự cản trở bởi sức ì, không chỉ riêng thầy cô giáo mà cả phụ huynh, cả xã hội đang có thói quen, suy nghĩ học để thi, học để có bằng cấp, không phải học để cho chính mình, cho cuộc sống, cho hình thành năng lực.
Thách thức, cản trở này đòi hỏi sự cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, từ trung đến địa phương, đơn thân ngành Giáo dục không thể làm được. Chúng ta không còn cách nào khác là phải vượt qua những thách thức này.
Sau khi đã nhận diện rõ cả cơ hội và thách thức, theo ông, các trường sư phạm có sứ mạng như thế nào trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới?
– Việc cần coi trọng đầu tiên, theo tôi là bồi dưỡng giảng viên đại học sư phạm. Đối với các giảng viên này, hiểu biết về chương trình giáo dục phổ thông là nội dung trọng tâm, hàng đầu.
Các trường sư phạm hiện nay cũng đang đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo giáo viên mà khâu đầu tiên là nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ giáo dục phổ thông.
Trong việc tìm hiểu giáo dục phổ thông, lưu ý 2 nội dung. Thứ nhất, là tổng kết những ưu điểm và hạn chế của những năm đổi mới, khi thực hiện Nghị quyết 40 quốc hội.
Ngày 30/11, tại TPHCM, Hiệu trưởng các trường sư phạm đã thống nhất sẽ trình với Bộ GD&ĐT một đề án, trong đó thể hiện rõ định hướng cần phải đào tạo lại giáo viên; định hướng cần bồi dưỡng giáo viên và những nhiệm vụ mà trường sư phạm sẽ phải làm với trường phổ thông.
Thứ hai, phải tham chiếu định hướng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa Quốc hội vừa thông qua; từ đó, nghĩ ra các cách tiếp cận, truyền tải những thông tin cho các thầy cô giáo ở phổ thông.
Như vậy, nghiên cứu giáo dục phổ thông hiện nay là cực kỳ quan trọng đối với các trường sư phạm.
Trên cơ sở đó, mới mô tả chuẩn đầu ra, mô hình nhân cách của người thầy cần đào tạo. Cuối cùng là sắp xếp và xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên.
Trong chương trình hành động của các trường sư phạm, đổi mới chương trình gắn liền với đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên THPT. Mặc dù Đề án vừa thông qua, nhưng có thể nói các trường sư phạm đã chủ động từ khá lâu.
Ví dụ, Trường ĐHSP Thái Nguyên đã đưa sinh viên từ năm thứ nhất xuống trường phổ thông ở rất nhiều môn học và mời giáo viên phổ thông đến làm việc với nhà trường.
Chúng tôi cũng đi khảo sát rất nhiều trường phổ thông để tìm hiểu phản hồi từ phía người sử dụng lao động về chất lượng chương trình; khảo sát sinh viên về chương trình; khảo sát địa phương về điều chỉnh chương trình.
Hàng chuỗi hoạt động như vậy thể hiện sự quan tâm đặc biệt của trường sư phạm với công cuộc đổi mới này.
Song song đó, chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường sư phạm được tham gia chủ trì những đề án bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên.
Còn bản thân mỗi trường sư phạm, chúng tôi đặt trọng tâm vào vấn đề đổi mới chương trình. Để thành công trong đổi mới chương trình, chúng tôi lại đặt trọng tâm vào đào tạo lại đội ngũ giảng viên trường ĐHSP.
Ngoài hiểu biết chung về học vấn của giảng viên, vấn đề được đặc biệt coi trọng là kiến thức ngoại ngữ; tin học; hiểu biết về khoa học phát triển chương trình và nhiều vấn đề khác. Làm sao để các trường sư phạm phải đổi mới trước một cách mạnh mẽ và quyết liệt; trên cơ đó mới tác động hiệu quả tới phổ thông.
Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thời gian thực sự không còn nhiều nữa. Vật, theo ông, việc gì cần làm trước, làm ngay trong giai đoạn này?
– Điều quan trọng nhất là các trường sư phạm phải được vào cuộc; phải được giao nhiệm vụ cụ thể với địa bàn cụ thể.
Có 3 việc theo tôi phải làm. Một là đào tạo mới đối tượng sinh viên hiện nay để đáp ứng được ngay chương trình sách giáo khoa mới. Sinh viên năm thứ hai, năm thứ nhất của chúng tôi đã phải học một chương trình mới mà hiện nay chúng tôi đang nỗ lực làm.
Thứ hai, toàn bộ giáo viên phổ thông phải được bồi dưỡng và cuối cùng, gần như tất cả giáo viên phổ thông phải được đào tạo lại.
Đào tạo lại ở đây phải được thể chế hóa, phải trở thành pháp lệnh. Tôi cho rằng, vấn đề giáo viên là cốt tử đối với việc thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Để đạt được điều này, theo tôi cần có sự quan tâm đặc biệt đến các trường sư phạm. Trước mắt, có thể không phải gì nhiều mà chỉ là quan tâm đến hàng nghìn giảng viên ĐHSP, phải hình thành được ở đội ngũ này một tư duy mới, năng lực mới.
Muốn như vậy, điều đầu tiên, lương Nhà nước cấp cho họ phải tương đối đầy đủ. Hiện nay các trường, khó khăn lớn nhất là trả lương cho giảng viên và có kinh phí cho giảng viên đi bồi dưỡng trong nước và nước ngoài.
Ông có thể nói cụ thể hơn, các trường sư phạm sẽ phải chuyển động như thế nào để có được lớp giáo viên mới thích ứng ngay với những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa?
– Theo tôi, có 3 bước chính. Thứ nhất là đổi mới chương trình đào tạo giáo viên. Những đổi mới chương trình đào tạo này phải thấm đượm linh hồn của chương trình, sách giáo khoa mới. Muốn như vậy, các trường sư phạm phải “nắm” phổ thông nhiều hơn nữa.
Thứ hai, giảng viên các trường sư phạm phải thực sự được nhúng mình vào môi trường giáo dục phổ thông. Muốn chuyện này thành công, điều quan trọng hiện nay là tính pháp lý, mối quan hệ giữa các trường sư phạm và phổ thông phải được thể chế hóa với sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, mối quan hệ này mới dừng chủ yếu ở thực hành, thực tế sư phạm, như thế, chưa thể thành công.
Thứ ba, tôi cho rằng, phải quyết liệt hơn trong đánh giá lại, đào tạo, sàng lọc đội ngũ giảng viên sư phạm. Có như thế mới hy vọng thành công.
Vậy, bản thân Trường ĐHSP Thái Nguyên đã, đang và sẽ làm gì để cùng hòa nhịp trong công cuộc đổi mới này?
– Trường ĐHSP Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 29 với các hành động rất cụ thể.
Trong đó có việc đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học; thay đổi mô hình phòng học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giảng dạy;
Xây dựng chương trình bồi dưỡng giảng viên sư phạm, phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, hình thành mũi nhọn chuyên môn ở từng bộ môn;
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên, đặc biệt là lĩnh vực khoa học giáo dục;
Đẩy mạnh liên kết đào tạo, hợp tác với nước ngoài; học tập kinh nghiệm quốc tế và đẩy mạnh hoạt động đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài;
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sinh viên; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, thiết bị thực hành, thí nghiệm đáp ứng yêu cầu đổi mới nhà trường;
Chủ động tham gia vào Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015. Tích cực tham gia các hoạt động tư vấn về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 thông qua các hoạt động chuyên môn, triển khai nghiên cứu và tổ chức tập huấn, hợp đồng giảng dạy;
Chủ động thiết lập quan hệ giữa trường sư phạm với các trường phổ thông trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên và tổ chức triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường đối với trường thực hành sư phạm của Trường ( Trường THPT thực hành Thái Nguyên)….
Còn nhiều việc khác nữa, nhưng chắc chắn đây là cuộc chuyển động dần dần và từng bước. Còn ngay lập tức, nhà trường chỉ dừng lại vấn đề bồi dưỡng giảng viên của trường.
Những kế hoạch như đầu tư cơ sở vật chất, quả thực phải trông chờ vào sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, của nhà nước mới có thể đồng bộ được.
Xin cảm ơn ông!