Giờ học của cô trò Trường tiểu học Đình Bảng 2 (Bắc Ninh)
Điều quan trọng là, đến năm học này, 100% giáo viên nhà trường đã hiểu và nắm chắc cách đánh giá mới.
Đặc biệt chú trọng chất lượng nhận xét
Một mục đích của Thông tư 30 là kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh, giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm… Sau một năm triển khai cách đánh giá mới, cô nhận định thế nào về hiệu quả đạt được của quy định mới này?
– Sau một năm, qua thực tế vận dụng Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy ưu điểm lớn nhất của cách đánh giá mới chính là giảm sức ép học tập cho học sinh, không có sự so sánh giữa học sinh này với học sinh khác; từ đó, những em học lực yếu đã đỡ tự tin, mặc cảm.
Ngoài ra, qua thực hiện Thông tư 30, các bậc cha mẹ học sinh cũng nhận thức được ưu, nhược điểm của con mình một cách cụ thể qua lời nhận xét của giáo viên, từ đó cùng tham gia hiệu quả vào quá trình giáo dục học sinh.
Thời gian đầu triển khai Thông tư 30, nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ và đặc biệt lúng túng với việc viết nhận xét. Đến thời điểm này, nhà trường còn gặp phải khó khăn trên? Nếu còn, phương hướng khắc phục sẽ là gì?
– Theo quy định của Thông tư 30, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện.
Hằng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác trong tháng;
Khi nhận xét, giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên…
Thực tế triển khai tại Trường Tiểu học Đình Bảng 2 có thể thấy: Ngôn ngữ dùng để đánh giá học sinh của giáo viên thực sự vẫn còn hạn chế, nhất là đánh giá bằng hình thức viết vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, vào vở, vào bài kiểm tra. Giáo viên còn lúng túng khi chọn lựa từ ngữ sao cho vừa ngắn gọn, dễ hiểu, vừa sát thực tế.
Nắm được điều này, ngay từ đầu tháng 8/2015, nhà trường đã tổ chức cho toàn thể hội đồng sư phạm nghiên cứu, thảo luận về việc thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 sao cho đánh giá sát thực, có hiệu quả. Từng tổ, khối chuyên môn đã thảo luận nên cơ bản tập thể sư phạm đã nắm bắt được mục tiêu, cách thực hiện đánh giá theo Thông tư 30.
Cũng trong tháng 8, 100% cán bộ giáo viên của nhà trường đã tham gia lớp học trực tuyến do Sở GD&ĐT Bắc Ninh triển khai nên những băn khoăn, vướng mắc của giáo viên trực tiếp đứng lớp đã được giải đáp.
Bên cạnh đó, ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đã tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học để cha mẹ học sinh hiểu được tinh thần của Thông tư 30.
Đến nay, chúng tôi có thể tự tin khẳng định: 100% giáo viên trong trường đã hiểu và nắm chắc cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học.
Biện pháp “gỡ rối” cho giáo viên trẻ
Khi thực hiện Thông tư 30, với giáo viên dày dạn kinh nghiệm có thể không gặp nhiều khó khăn. Nhưng ngược lại, với giáo viên trẻ, đặc biệt là giáo viên mới vào nghề chắc chắn không tránh khỏi còn lúng túng. Nhà trường có biện pháp gì để các cô có thể bắt nhịp được ngay với cách đánh giá mới?
– Với các giáo viên nói chung, Ban giám hiệu thường xuyên dự giờ và góp ý với các thầy cô. Đồng thời, hằng tháng chúng tôi đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn với tất cả các tổ khối hai lần, có thể theo trường, cũng có thể học hỏi thêm trường bạn về kinh nghiệm đánh giá.
Bản thân giáo viên phải có sự quan tâm sát sao đến từng em, phải bám sát cụ thể từng học sinh mới có những nhận xét, đánh giá chính xác.
Ngoài việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn 2 lần một tháng, với các giáo viên trẻ, còn ít kinh nghiệm, nhà trường yêu cầu có sổ theo dõi riêng để bám sát từng đối tượng học sinh, nhằm thấy được học sinh thiếu hụt những kiến thức nào một cách cụ thể để đưa các biện pháp với từng em.
Ví dụ giáo viên dạy lớp 1 chẳng hạn, trong lớp không phải học sinh nào cũng thuộc hết bảng chữ cái, có em thuộc ít, em thuộc nhiều. Giáo viên phải nắm được học sinh chưa thuộc chữ cái nào, chưa nắm được phần kiến thức nào. Chính cuốn sổ theo dõi nói trên sẽ giúp giáo viên nắm chắc từng đối tượng học sinh theo yêu cầu trên.
Giảm gánh nặng sổ sách
Việc thêm sổ như thế liệu có làm giáo viên tăng thêm gánh nặng sổ sách?
– Trước hết phải nhấn mạnh, sổ theo dõi không mang tính chất bắt buộc, không đưa vào kiểm tra, đánh giá mà chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật, “nghiệp vụ” để giáo viên chủ động tìm hiểu đối tượng học sinh nên hoàn toàn không tạo sức ép về mặt sổ sách.
Với những giáo viên mới ra trường, đang học hỏi về phương pháp, kiến thức, tôi cho rằng, cách đó có thể giúp các cô bám sát chuyên môn, bám sát đối tượng học sinh.
Năm 2015 – 2016, Sở GD&ĐT Bắc Ninh cũng có đổi mới về sổ sách dành cho giáo viên tiểu học. Theo đó, với giáo viên bộ môn, nếu trước đây mỗi một lớp có một sổ, thì năm học này một quyển sổ có thể theo dõi được 6 lớp.
Còn với giáo viên chủ nhiệm, trước đây một quyển sổ, với mỗi học sinh phải đánh giá theo từng tháng. Một năm học có 9 tháng tương đương với 9 lần đánh giá.
Nhưng hiện nay sẽ đánh giá theo kỳ, một kỳ thực hiện 2 lần đánh giá, một năm chỉ đánh giá 4 lần. Như vậy là giảm thiểu hơn rất nhiều so với trước đây. Từ đó, cũng sẽ giảm áp lực cho giáo viên, giúp các cô có nhiều thời gian hơn tập trung cho chuyên môn.
Xin cảm ơn cô!