Hỗ trợ chuyên sâu thực hiện Thông tư 30
1_WTJY

GD&TĐ – Tiếp tục thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã đưa thêm những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, giúp từng giáo viên, nhà trường thực hiện hiệu quả hơn quy định mới này.

Thành lập tổ công tác hỗ trợ thực thiện Thông tư 30 trong nhà trường

Theo thầy Đoàn Dụng – Giám đốc Sở GD&ĐT, một trong những công việc Sở yêu cầu là hướng dẫn Ban giám hiệu các trường thành lập tổ công tác, trong đó Hiệu trưởng làm tổ trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn làm tổ phó.

Nhiệm vụ của tổ công tác này là giải đáp kịp thời những thắc mắc trong quá trình thực hiện đánh giá, ghi chép các loại sổ; kiểm tra vở học sinh, sổ theo dõi chất lượng học sinh, hỗ trợ giáo viên thực hiện hồ sơ và ghi lời nhận xét trong vở, trong sổ đúng tinh thần Thông tư 30.

Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn khi triển khai quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học là vẫn còn giáo viên, học sinh, đặc biệt là phụ huynh chưa thực sự thấm nhuần nội dung, ý nghĩa của Thông tư; do đó, tiếp tục tuyên truyền, giải thích vẫn rất quan trọng.

Các trường tiểu học của Quảng Ngãi được yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, tích cực giải thích, giới thiệu cho phụ huynh các văn bản, kênh truyền hình, báo in, báo mạng, đề cập đến việc triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư 30.

Qua đó, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về cách đánh giá học sinh và cùng giáo viên tham gia đánh giá học sinh. Mục đích cuối cùng vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp các em học tập tốt hơn.

Ngoài ra, thầy Đoàn Dụng cho biết, Sở cũng chỉ đạo hiệu trưởng xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn định kì nhằm nghiên cứu kĩ hơn Thông tư.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chuyên môn và hỗ trợ kĩ thuật hàng tháng đến các đơn vị trường học, hỗ trợ chuyên sâu về việc thực hiện; đảm bảo giáo viên đánh giá học sinh theo đúng tinh thần, ý nghĩa của Thông tư 30.

Việc tổ chức thao giảng chuyên đề đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới, kết hợp với sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học (thao giảng tổ, thao giảng trường, tham gia dự thao giảng cụm) cũng sẽ được duy trì.

Phòng GD&ĐT chỉ kiểm tra mang tính chất định hướng, góp ý

Một trong những nội dung nổi bật trong chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thực hiện Thông tư 30 nhấn mạnh sự chủ động, linh hoạt của giáo viên với phương châm vì sự tiến bộ của học sinh.

Đơn cử, Sở GD&ĐT lưu ý, theo quy định mới, phòng GD&ĐT chỉ kiểm tra mang tính chất định hướng, góp ý giáo viên, không phải gây khó cho giáo viên. Với cán bộ quản lý, cần cùng giáo viên trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình dạy học.

Việc ghi sổ theo dõi chất lượng, ghi nhận xét vào vở học sinh học sinh, thầy Đoàn Dụng nhấn mạnh, cũng tuân thủ theo mục tiêu của Thông tư 30 là vì sự tiến bộ của học sinh.

Nghĩa là, giáo viên chỉ ghi nhận xét đối với những em chưa hoàn thành để lưu ý tìm cách động viên giúp đỡ, hoặc ghi một số em nổi bật để giáo viên quan tâm phát triển khả năng của học sinh.

Với học sinh đã hoàn thành, giáo viên có thể không cần ghi nhận xét. Tuy nhiên, nếu thấy còn thời gian, giáo viên có thể quan tâm thêm các em học sinh này.

Việc ghi nhận xét cần thể hiện được sự động viên, khuyến khích để học sinh và phụ huynh có thể hiểu được, từ đó cùng phối hợp với giáo viên điều chỉnh, tránh nhận xét tùy tiện, cứng nhắc.

Đặc biệt, ghi sổ theo dõi chất lượng phục vụ cho chính giáo viên, vì vậy giáo viên được chủ động ghi, miễn sao để bản thân hiểu được, biết học sinh nào cần theo dõi để giúp đỡ, học sinh nào cần quan tâm bồi dường để phát triển…

Giáo viên chủ nhiệm phải là người ghi nhận xét vào sổ học bạ

Nếu sổ theo dõi chất lượng giao giáo viên chủ động thì sổ học bạ lại được Sở GD&ĐT Quảng Ngãi yêu cầu phải ghi cẩn thận, vì đây là sổ ghi lại quá trình học tập của học sinh và gắn với học sinh khi học lên lớp trên.

Mẫu học bạ theo Thông tư 30 có hai chữ ký, chữ ký xác nhận của hiệu trưởng và chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm. Điều này có nghĩa là giáo viên chủ nhiệm phải là người ghi nhận xét, đánh giá vào sổ học sinh chứ không phải là giáo viên bộ môn.

Trong Thông tư đã nói rất rõ: Giáo viên bộ môn bàn giao, tổng hợp đánh giá, nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên bộ môn khi thực hiện đánh giá, nhận xét đối với môn học. Do đó, nếu giáo viên bộ môn ghi nhận xét là trên tinh thần tự nguyện, làm thay.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng cho phép giáo viên có thể đánh máy, in danh sách học sinh dán vào sổ, thay cho việc ghi tay. Điều này giúp giáo viên giảm được những công việc không cần thiết.

Hiếu Nguyễn

Nguồn:  http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ho-tro-chuyen-sau-thuc-hien-thong-tu-30-774571-v.html.