Nhận xét, đánh giá học sinh – hiệu trưởng phải là nòng cốt chuyên môn

 

Nhận xét, đánh giá học sinh - hiệu trưởng phải là nòng cốt chuyên môn

 
GD&TĐ – Theo cô Trần Thị Thùy Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), để triển khai thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu có hiệu quả trong nhà trường thì hiệu trưởng có vai trò quan trọng và phải là nòng cốt về chuyên môn.

Để các giáo viên hiểu và thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư, bản thân tôi và các đồng chí trong Ban Giám hiệu đã dành thời gian nghiên cứu và trải nghiệm bằng thực tế các nội dung mà Thông tư đã hướng dẫn. Mình có hiểu, có làm thực tế thì mới hướng dẫn giáo viên làm theo được.

Sau khi tôi và các đồng chí trong Ban giám hiệu đã thuần thục, nắm chắc các nội dung hướng dẫn của Thông tư, tôi tiến hành tổ chức cho giáo viên nghiên cứu theo phương pháp tự học, tự làm là chủ yếu, lãnh đạo nhà trường không hướng dẫn cách làm ngay mà nêu định hướng để giáo viên tự tìm hiểu, tự trao đổi và tìm ra giải pháp tháo gỡ, bằng các biện pháp cụ thể như: Bồi dưỡng cho giáo viên năng lực tự học, tự nghiên cứu đối với những giáo viên có tuổi đời cao, một số giáo viên chậm đổi mới nhà trường bố trí theo cặp “đôi bạn” đi kèm và hỗ trợ, trong mọi hoạt động giáo dục hoặc khi họp chuyên môn.

Ngay trong các buổi họp hội đồng giáo dục, nhà trường cũng tổ chức cho giáo viên có thói quen tự đánh giá chính mình để từ đó hiểu và vận dụng vào đánh giá học sinh.

Ngoài ra, trước và sau khi Thông tư có hiệu lực nhà trường cũng tổ chức tập huấn và triển khai tới từng giáo viên các việc làm cụ thể như: Dựa vào mục tiêu bài học, tuần học để xác định mội dung đánh giá nhằm mục tiêu phát triển toàn diện. Không phải để kết thúc một hoạt động mới đánh giá học sinh mà phải theo dõi để đánh giá trong quá trình học có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tôi cũng yêu cầu giáo viên hết sức chú ý đến cách nhận xét bằng lời hoặc bằng cách ghi vào sổ (trong tuần chỉ ghi những nội dung cần chú ý). Ví dụ: Trong bài đọc – hiểu, giáo viên có thể nhận xét về nội dung và biện pháp hỗ trợ như: “Em đọc đúng, rõ ràng toàn bài, biết ngắt nghỉ hợp lý. Em nên đọc to hơn 1 chút vì giọng đọc của em rất hay…”.

Đối với giáo viên, khó khăn nhất là việc đánh giá thường xuyên vì vậy tôi và các đồng chí trong Ban giám hiệu tăng cường thời gian dự giờ trên lớp để phát hiện và kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn với giáo viên trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức tập huấn cho đại diện phụ huynh các lớp và thực hành ngay trên đối tượng là học sinh. Sau đó ở mỗi lớp giáo viên chủ nhiệm và các phụ huynh cốt cán có trách nhiệm triển khai, nhân rộng ra toàn trường.

Minh Phong (ghi)

Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-xet-danh-gia-hoc-sinh-hieu-truong-phai-la-nong-cot-chuyen-mon-532953-v.html