Thế giới chết dần vì ô nhiễm không khí
the-gioi-chet-dan-vi-o-nhiem-khong-khi-9-211433
 
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã công bố một báo cáo mới, trong đó cảnh báo rằng mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại hàng loạt các thành phố lớn trên thế giới đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân và đe dọa sẽ làm chao đảo các dịch vụ y tế trên phạm vi toàn cầu.

Trước khi công bố các con số thống kê chính thức trong tháng tới để cho thấy mức độ ô nhiễm ở hàng trăm khu vực đô thị đang trở nên nghiêm trọng hơn kể từ năm 2014, WHO cho hay thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng y tế khẩn cấp” có khả năng sẽ gây thất thoát lớn cho chính phủ các nước.

Dữ liệu mới nhất, được khảo sát từ 2.000 thành phố lớn, sẽ cho thấy mức độ ô nhiễm tăng cao tại các vùng tập trung đông dân cư, khiến các vùng này xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói do xe cộ thải ra, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện và việc đốt củi và than ở các hộ gia đình.

Làn khói độc hại đang bao phủ nhiều thành phố lớn trên thế giới thậm chí còn có thể nhìn thấy được từ trạm không gian quốc tế (ISS). Hồi tuần trước, ISS còn cho thấy một vài tuyến đường ở ngay thủ đô London của nước Anh đang hứng chịu làn khói độc hại dày đặc, vượt quá mức cho phép.

“Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế công ở nhiều nước, do ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề lớn nhất mà cả thế giới đang phải đối mặt, gây tổn thất cho nền kinh tế” – Maria Neira, giám đốc cơ quan y tế công cộng thuộc WHO, cho hay.

Bà Neira cũng cho hay, tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu hiện nay là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính, khiến ngày càng nhiều bệnh nhân phải nhập viện. Ô nhiễm còn gây nên nhiều chứng bệnh khác như hen suyễn, viêm phổi, bệnh về đường huyết, bệnh tim, thậm chí là chứng mất trí nhớ.

Theo tổ chức LHQ, hiện nay thế giới có khoảng 33 triệu trẻ em chết mỗi năm do ô nhiễm không khí, khoảng 1/3 trong số này chịu các căn bệnh liên quan như đau tim và đột quỵ. Với gần 1,4 triệu cái chết do ô nhiễm mỗi năm, Trung Quốc đã trở thành quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, tiếp đến là Ấn Độ với 645.000 người chết và Pakistan với 110.000.

Theo một bản báo cáo mới của Ủy ban Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm hiện cũng gây nên tình trạng khẩn cấp trong ngành y tế công ở châu lục này, và khiến cho khoảng 430.000 trẻ em tử vong.

“Tình trạng ô nhiễm nặng nề làm giảm tuổi thọ con người và góp phần gây nên nhiều loại bệnh như bệnh tim, các bệnh liên quan tới hệ hô hấp và thậm chí là ung thư. Nó cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế của một nước, khi khiến chi phí thuốc men tăng cao trong khi giảm năng suất” – Giám đốc EEA, ông Hans Bruyninckx cho hay.

Nhà kinh tế học Lord Stern nói với tờ Guardian rằng, tình trạng ô nhiễm còn là nhân tố chủ chốt gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang đồng tâm chống lại.

“Ô nhiễm không khí là nhân tố cơ bản gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu về mức độ độc hại của việc đót than đá và dầu diesel. Chúng ta biết được rằng ở Trung Quốc, có khoảng 4.000 người chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí. Còn ở Ấn Độ thì tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là một vấn đề rất, rất nghiêm trọng” – ông Stern nhận định.

Theo một nghiên cứu khoa học mới đây nhất được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature, ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khiến cho số người chết tăng dần theo mỗi năm, thậm chí còn vượt qua cả tổng số người chết do virus HIV và bệnh sốt rét cộng lại. Ở nhiều quốc gia, số người chết do ô nhiễm không khí gấp 10 lần số người chết do tai nạn giai thông.

Theo WHO, chất lượng không khí trên phạm vi toàn thế giới đang suy giảm trông thấy, đến mức mà cứ trong 8 người sống ở các thành phố lớn thì chỉ có 1 người được hít thở bầu không khí đạt chuẩn hạn chế về mức độ ô nhiễm.

Linh Chi
Theo Báo Đại kết

http://vea.gov.vn/vn/quanlymt/suckhoemoitruong