Tập huấn cụm tỉnh dạy lớp 5 mô hình VNEN
images (3)
Sau chuỗi hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho chuyên gia GD và cán bộ giáo viên cốt cán cấp trung ương, từ ngày 14-25/7 các lớp tập huấn cán bộ giáo viên cấp tỉnh đã được tổ chức đồng loạt tại 13 cụm tỉnh là: Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,Thừa Thiên Huế,Gia Lai, Đắc Lắc,Bình Định, Khánh Hòa,Trà Vinh, Kiên Giang. Hơn 3.700 cán bộ quản lý và giáo viên ở 41 tỉnh thuộc nhóm ưu tiên 1, 2 và 1447 trường được thụ hưởng dự án đã tham dự.


BCV Trần Thị Hà Giang phát biểu tại khai mạc lớp tập huấn

Theo tinh thần chỉ đạo của Vụ GD tiểu học và Dự án mô hình trường học mới, hoạt động tập huấn về VNEN năm nay tập trung đi sâu phân tích những mặt hạn chế, những khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình, từ đó chia sẻ, thảo luận để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả. Lớp tập huấn được tổ chức đúng như lớp học VNEN, có nghĩa là học viên được ngồi học theo các nhóm và thực hiện các hoạt động học như một học sinh thực thụ.

Chuyên gia trưởng dự án Đặng Tự Ân trải nghiệm và chia sẻ cùng các học viên

Không có “chìa khóa” chung để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình VNEN ở các nhà trường, các địa phương. Tuy nhiên, do các địa phương trong mỗi cụm tỉnh có đặc điểm tương đồng, nên những ý kiến chia sẻ, những bài học thành công của đồng nghiệp trao đổi tại các lớp tập huấn thực sự có ý nghĩa và có tính thực tiễn cao. Đặc biệt, đợt tập huấn này, các lớp tập huấn đã thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Vụ giáo dục tiểu học và Ban quản lý dự án, đó là: “báo cáo viên không giảng giải lý thuyết”, không trả lời trực tiếp ngay các câu hỏi của học viên, mà phải đồng hành cùng học viên trải nghiệm, thực hành, ứng dụng kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của thực tế. Chính thông qua trải nghiệm và hoạt động thực tế đã giúp các học viên, kể cả báo cáo viên thêm một lần nữa hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của mô hình mới, rút ra được cách làm phù hợp, không chỉ trong việc tổ chức hoạt động học của học sinh, mà còn trong hoạt động tập huấn, hướng dẫn các đồng nghiệp tại trường sau này.

Học viên với hoạt động giáo dục tại lớp tập huấn

Thông qua các bảng hỏi, hầu hết các học viên đều đánh giá đợt tập huấn rất hiệu quả, giúp họ sáng tỏ nhiều điều về Mô hình trường học mới mà lâu nay có những điều thực hiện chưa hiểu thấu đáo, thậm chí còn mơ hồ. Đó là việc tổ chức và phát huy vai trò của Hội đồng tự quản học sinh nhằm tạo ra môi trường học tập dân chủ, tự quản, nhân văn. Đó là việc khai thác sử dụng các công cụ: góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học một cách linh hoạt, sáng tạo phục vụ hoạt động học của học sinh…Đặc biệt, tại đợt tập huấn này, các học viên đã được trao “Công cụ nghiên cứu bài hướng dẫn học”. Nhờ nó, khi về các nhà trường, người giáo viên chủ động hơn, sáng tạo hơn khi nghiên cứu và chuẩn bị bài dạy.

Trong tháng 8 này, hoạt động tập huấn giáo viên dạy mô hình VNEN tiếp tục được tổ chức ở cấp trường. Đây là nơi trực tiếp thực thi các giờ dạy, đối mặt với vô vàn khó khăn, vì vậy Ban quản lý dự án trung ương yêu cầu Ban quản lý dự án các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch tập huấn cấp trường, đảm bảo tăng cường năng lực cho tất cả cán bộ giáo viên các trường VNEN, để triển khai có kết quả mô hình VNEN đối với lớp 5 năm học 2014-2015. Trước hết tập trung chia sẻ, tháo gỡ những băn khoăn vướng mắc mà giáo viên dạy VNEN đang vấp phải, làm sao để từng giáo viên biết cách chuyển từ dạy học theo lối thuyết giảng, đồng loạt sang hướng dẫn học sinh tự học và quan tâm hỗ trợ đến từng học sinh. Lưu ý rằng: Báo cáo viên không giảng giải lý thuyết, mà chủ yếu dành thời gian cho hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, tạo điều kiện cho từng giáo viên trải nghiệm, chia sẻ để hình thành kiến thức,kỹ năng, cũng như việc thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Quan trong hơn, các nhà trường có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động tự học thường xuyên và không ngừng sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong quá trình thực hiện mô hình VNEN.

Tập huấn giúp tôi sáng ra nhiều điềuSuốt 5 ngày tập huấn vừa qua, chúng tôi được trải nghiệm và chia sẻ cùng nhau những ý kiến, kinh nghiệm, để rồi tự mỗi người rút ra cách làm phù hợp. Qua nghe các ý kiến của các đồng nghiệp tôi thấy sáng ra nhiều điều. Mặc dù bản thân cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn khi triển khai mô hình VNEN, nhưng không tự xâu chuỗi lại được. Nay, được nghe các đồng nghiệp chia sẻ, tôi đã hệ thống lại một số giải pháp mà mình đã làm và tới đây sẽ làm. Trong rất nhiều khó khăn từ Sở, phòng, trường và của GV đưa ra bàn luận, thì vấn đề đáng quan tâm nhất là làm sao giúp học sinh tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức . Đó là cái đích quan trọng nhất. Nếu không đi tập huấn, thì khó mà làm được. Nhất là với các trường nhân rộng. Vì vậy GV ở các trường nhân rộng cũng phải được Sở, Phòng tập huấn thì mới biết mà làm. Trong rất nhiều khó khăn chúng tôi đã chia sẻ với nhau tại lớp tập huấn, thì khó khăn nhất vẫn là làm thế nào nâng cao năng lực , nhiệt huyết của người GV lên, làm sao từ bỏ được tư duy cũ, lối dạy truyền thụ áp đặt một chiều đã ăn sâu trong đội ngũ GV chúng ta và mục tiêu hướng đến là học sinh phải tự học một cách đích thực…Mỗi lần được tham gia tập huấn, tôi càng thấy say mê và tin tưởng vào sự thành công của mô hình VNEN.                                                                           

                                                                               Nguyễn Thị Thanh Thúy                                                       

                                          Chuyên viên phòng giáo dục Tam Kỳ, Quảng Nam

Nhân rộng mô hình phải luôn chú trọng đến chất lượng

Đây là năm thứ 3 Đắc Lắc được chọn làm địa điểm tập huấn cụm tỉnh, gồm 4 địa phương: Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ GD tiểu học, Ban quản lý Dự án VNEN và sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện về tinh thần vật chất của lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắc Lắc, 2 đợt tập huấn cụm tỉnh tại Đắc Lắc đã kết thúc tốt đẹp.

Tôi là báo cáo viên môn tiếng Việt, lại với tư cách chủ nhà, nên tôi được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở các địa phương khác nhau hội tụ về đây, tôi học được ở các bạn rất nhiều điều, từ cách nhìn nhận, phân tích khó khăn đến kinh nghiệm để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình VNEN.

Tỉnh Đắc Lắc có 74 trường được thụ hưởng dự án. Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện mô hình VNEN của tỉnh , tôi phải khẳng định đây là mô hình có nhiều ưu việt, thể hiện rất rõ ở học sinh mạnh dạn, tự tin, năng động, sáng tạo rất nhiều. Các em chủ động nắm kiến thức, hình thành và phát triển phẩm chất năng lực rất tốt. Từ kết quả này, Năm học 2013-2014, trên tinh thần tự nguyện, coi trọng chất lượng, Sở GD&ĐT đã lựa chọn 12 trường có đăng ký và khả năng nhất để nhân rộng mô hình. Mức độ nhân rộng cũng rất khác nhau. Có huyện thuộc diện khó khăn nhưng có đến 4-5 trường đăng ký nhân rộng mô hình như huyện Madrac, huyện Eaka, có huyện chỉ có 1 trường nhân rộng nhưng đầu tư rất tốt với nguồn lực địa phương như Krông na, hay có huyện chỉ nhân rộng 1 trường và trường đó cũng chỉ thí điểm  triển khai mô hình tại 1 lớp học thôi, để có kết quả thì mới triển khai ra cả trường…

 Năm học 2014-2015, Đắc Lắc tiếp tục nhân rộng toàn phần mô hình ra 12 trường nữa, ngoài ra ở hầu hết các huyện đều có những hoặc lớp sẽ áp dụng từng phần mô hình, như áp dụng về cách thức tổ chức lớp học, cách trang trí lớp học, cách huy động cộng đồng…Quan điểm chỉ đạo của Sở là coi trọng chất lượng, nên không nhân rộng một cách ồ ạt, tuy nhiên ở các trường nhân rộng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng, thực hiện việc nhân rộng mô hình trường học mới, cũng là những bước đi đầu tiên của đối mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương, không chỉ là cố gắng của ngành GD, mà cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính để đáp ứng các điều kiện cần thiết khi thực hiện mô hình. Tôi lấy ví dụ, để thực hiện mô hình trường học mới, thì các lớp phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày, số học sinh/lớp không quá đông,chỉ 25-30 h/s thôi,  như thế kéo theo đội ngũ GV, cơ sở vật chất phải được tăng cường…Đó là chưa kể, với học sinh ở vùng khó khăn, nếu không tổ chức được bữa ăn bán trú, thì việc đi lại của học sinh ngày 2 buổi đến trường cũng là rào cản của chuyên cần… Khó khăn vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi hiện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng vào cuộc…
                                                                                       Thái Thị Mỹ Bình

Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD&ĐT Đắc Lắc

 

                    

Nguồn: http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/portal.php?soct&mod=news&new=6349