Từ 20/9- 1/10, Vụ Giáo dục Tiểu học và Ban quản lý Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã tổ chức 4 đợt tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên cốt cán các địa phương về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. TS Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ttiểu học, Giám đốc BQL dự án trực tiếp chủ trì. Khoảng 1600 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các tỉnh thành phố trong cả nước đã tham dự 4 đợt tập huấn nâng cao năng lực về đánh giá học sinh tiểu học cấp trung ương. Đợt 1 (20-21/9) tại Đà Nẵng, dành cho 16 tỉnh thành phố Miền trung và Tây nguyên; Đợt 2 (25-26/9) tại thành phố Hồ Chí Minh, dành cho 17 tỉnh thành phố khu vực Nam bộ; Đợt 3 (28-29/9) tại Hà Nội dành cho17 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc; Đợt 4 (30/9-1/10) tại Hà Nội dành cho 13 tỉnh thành phố miền trung và đồng bằng sông Hồng. Điểm mới trong các đợt tập huấn này là song hành thực hiện phát truyền hình trực tiếp (địa chỉ: tv.edu.net.vn) nên đông đảo cán bộ, giáo viên trong cả nước có điều kiện truy cập và theo dõi hoạt động tập huấn một cách dễ dàng. TS Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GDTH, giám đốc BQLDA Mô hình trường học mới tại Việt Nam phát biểu khai mạc Lớp tập huấn Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và cách thức đánh giá học sinh- một khâu quan trọng của quá trình giáo dục. Theo đó, hoạt động đánh giá là một chuỗi các hoạt động: quan sát, theo dõi, trao đổi, phỏng vấn, kiểm tra, nhận xét, tư vấn hướng dẫn, động viên…Nghĩa là, hoạt động đánh giá rất cụ thể, tỉ mỉ, chứ không chỉ là hoạt động kiểm tra cho điểm như trước đây. Nội dung đánh giá học sinh cũng toàn diện hơn, bao gồm: Đánh giá quá trình học tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng và đánh giá sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Học sinh ngoài việc được đánh giá định kỳ vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học đối với các môn: Toán, Tiếng Việt,Khoa học,Lịch sử, Địa lý,Ngoại ngữ, Tin học, còn được đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Đây là điểm mới đáng chú ý nhất của thông tư và cũng là nội dung thu hút sự quan tâm nhiều của các học viên. Các học viên thẳng thắn bày tỏ băn khoăn, vướng mắc và đặt nhiều câu hỏi với Vụ trưởng và các báo cáo viên về TT 30 ngay trong phiên khai mạc lớp tập huấn Sinh hoạt nhóm tại lớp tập huấn Các học viên bày tỏ băn khoăn khi triển khai thông tư 30 Với tinh thần làm việc nghiêm túc, cởi mở, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định đã dành phần lớn thời gian của buổi khai mạc lớp tập huấn để lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh về băn khoăn, thắc mắc của các học viên liên quan đến thông tư 30. Do là những người phải trực tiếp thực thi thông tư 30, nên các học viên đã không ngần ngại chia sẻ những vấn đề từ thực tiễn, đưa ra những câu hỏi, những điều băn khoăn cần được hiểu một cách bản chất và hệ thống về việc đánh giá học sinh. Chẳng hạn, đánh giá theo TT30, học sinh không phải chịu áp lực về điểm số, thì liệu các em có lơi là học tập vì thiếu động lực không? Rồi khó khăn đối với GV là rất lớn vì lâu nay quen đánh giá bằng điểm số chưa coi trọng việc nhận xét, nay chuyển sang đánh giá thường xuyên chỉ bằng nhận xét, nhận xét như thế nào, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt, dạy nhiều học sinh, lấy thời gian đâu để nhận xét?! Vả lại, làm thế nào để đưa ra được lời nhận xét ngắn gọn, xúc tích, chính xác mà lại không trùng lặp, nhàm chán cũng là câu hỏi lớn?. Rồi, công tác quản lý sẽ như thế nào để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những giáo viên có biểu hiện nhận xét qua quýt, chung chung mang tính hình thức? Việc sử dụng hồ sơ sổ sách? việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh giữa lớp trên với lớp dưới như thế nào cũng là điều không đơn giản? Hoặc việc khen thưởng, các danh hiệu của học sinh sẽ thực hiện ra sao khi kết quả của các học sinh chỉ có 2 mức: hoàn thành và chưa hoàn thành, hoặc đạt và chưa đạt? … Chính những băn khoăn, trăn trở và các câu hỏi đặt ra từ thực tế đã khiến không khí các lớp tập huấn thực sự sôi động. Thời gian 2 ngày cho mỗi đợt tập huấn được các học viên tận dụng tối đa. Thông qua các hoạt động tự nghiên cứu văn bản, trải nghiệm, thực hành, làm việc cá nhân, chia sẻ giữa các học viên trong nhóm, đặc biệt là sự tương tác, trao đổi, gợi mở giữa các học viên với báo cáo viên, nhiều nội dung của thông tư 30 đã được sáng tỏ và nhiều câu hỏi đã được chính các học viên tự giải đáp ngay sau đợt tập huấn. Vụ trưởng và báo cáo viên trao đổi, chia sẻ với các nhóm học viên Phát biểu tổng kết lớp tập huấn Vụ trưởng Phạm Ngọc Định một lần nữa khẳng định: Thực hiện cách đánh giá học sinh theo thông tư 30 là giúp cho giáo viên thay đổi phương pháp dạy học- yếu tố hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, thông tư 30 đặt niềm tin và trao quyền chủ động rất lớn cho giáo viên, cho nhà trường. Ban đầu, có thể gặp khó khăn, nhưng nếu xác định được: đánh giá là để giúp học sinh học tốt hơn, thì thông qua các đợt tập huấn hiểu được cách đánh giá, cùng nhau trao đổi sinh hoạt chuyên môn, qua thực tiễn giáo viên sẽ biết được mình phải đánh giá như thế nào, nhận xét ra sao đối với từng học sinh. Chẳng hạn, về đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Nhận xét đó có thể bằng “lời nói”, hoặc là “viết” hoàn toàn do giáo viên quyết định và vận dụng một cách linh hoạt, điều quan trọng là nhận xét đó phải chính xác, kịp thời, khích lệ được học sinh, làm cho các em thấy hứng thú học tập, đồng thời nhận xét còn tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục. Sự khác biệt lớn nhất so với cách đánh giá cũ là ở chỗ này. Cách đánh giá mới không chỉ ghi nhận kiến thức học sinh đạt được, mà còn đánh giá quá trình học sinh có được kiến thức và vận dụng kiến thức ấy như thế nào. Cách đánh giá trước đây không làm được điều này, giáo viên chủ yếu cho điểm số xác nhận kết quả cuối cùng của học sinh là xong. Vụ trưởng nhắc nhở: Để có nhận xét xác đáng, hiệu quả đối với học sinh thì giáo viên phải dựa vào nội dung bài học, căn cứ vào sản phẩm đạt được của học sinh ở mức độ nào đối chiếu với chuẩn kiến thức kỹ năng xem còn hạn chế gì, đồng thời hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá học sinh. Lưu ý là trong đánh giá bằng nhận xét dành cho học sinh phải rất cụ thể về từng nội dung học, có tác dụng khích lệ tinh thần học tập của em và chỉ cho các em những hạn chế và cách khắc phục, không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác… Mặc dù, hầu hết các câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc của các học viên về thông tư 30 đã cơ bản được giải quyết tại lớp tập huấn và những ngày tới họ sẽ đóng vai trò “báo cáo viên” tập huấn trực tiếp cho từng giáo viên ở địa phương, nhưng Vụ trưởng Phạm Ngọc Định, một lần nữa đề nghị các học viên tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thông tư, bằng sự trải nghiệm thực tế của mình, hãy phân tích, so sánh giữa cách đánh giá cho điểm trước đây, với đánh giá kết hợp cho điểm định kỳ với đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, để hiểu sâu sắc ý nghĩa, tính ưu việt của sự thay đổi. Đặc biệt, lý giải cho được vì sao phải đổi mới đánh giá, nội dung cốt lõi của đánh giá mới là gì và điều quan trọng là nó mang lại lợi ích gì cho học trò? Bởi việc gì có lợi cho học trò, sẽ được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và xã hội. Ban đầu triển khai không tránh khỏi khó khăn, nhưng khó khăn mà giúp học sinh tiến bộ, có hứng thú học tập, học tốt hơn, thì khó mấy cũng quyết tâm làm. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mà toàn ngành đang triển khai thực hiện./.
Ngày 03/10/2014
Hải Yến
Nguồn : http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/portal.php?u=soct&mod=news&new=6360