Ngày 4/7/2014, đợt tập huấn tăng cường năng lực cho giảng viên cốt cán trung ương dạy học lớp 5 theo mô hình VNEN các tỉnh phía Bắc đã kết thúc. Hơn 300 học viên đã trải nghiệm và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong suốt đợt tập huấn kéo dài 5 ngày tại Hà Nội. Trước đó, vào các ngày 16-20/6 đợt tập huấn tương tự đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cho các tỉnh phía Nam .
Học viên trải nghiệm một hoạt động thực tế
Đợt tập huấn nhằm tăng cường năng lực sư phạm cho đội ngũ cốt cán là giáo viên tiểu học, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học, tác giả, cán bộ nghiên cứu, để có thể xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động dạy học lớp 5, tổ chức tập huấn tại các cụm tỉnh và cụm trường . Điểm đặc biệt nhất trong khóa tập huấn, đó là các học viên được “hóa thân” vào vị trí của học sinh, lớp tập huấn được tổ chức như lớp học theo mô hình VNEN. Có hội đồng tự quản điều hành mọi hoạt động. Các báo cáo viên của khóa tập huấn không “chiếm lĩnh” lớp học với cách giảng bài truyền thống, mà hòa nhập, đồng hành cùng học viên tìm ra những khó khăn vướng mắc, kể cả những băn khoăn, lo lắng khi triển khai mô hình VNEN, giúp học viên trải nghiệm, bày tỏ quan điểm riêng và lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm giải quyết khó khăn của đồng nghiệp ở các địa phương khác nhau. , Trước các câu hỏi mà học viên nêu ra, các báo cáo viên đều không trả lời trực tiếp, mà lại đặt ra những câu hỏi ngược lại để học viên đó hoặc các đồng nghiệp tìm cách giải quyết vấn đề. Năm nay, tỷ lệ giáo viên đứng lớp tham gia tập huấn khá cao, nên nhiều tình huống đưa ra rất thú vị, xuất phát từ thực tiễn dạy và học.
Lớp tập huấn được tổ chức như lớp học theo mô hình VNEN
Với tinh thần “học thật, để làm thật”, đợt tập huấn đã có một thời khóa biểu khá chi tiết và đầy đủ, thống nhất giữa các môn học, các hoạt động giáo dục ở lớp 5, khiến các học viên phải “động não”, phải chia sẻ, hợp tác với nhau, chia sẻ với báo cáo viên. Để tránh lối học chung chung, các học viên lớp tập đã được nghiên cứu, trải nghiệm vào thực tế một vài bài hướng dẫn học cụ thể, cùng nhau chia sẻ cách thức xử lý tình huống, khai thác và sử dụng các công cụ tự quản… Đặc biệt hơn, trong đợt tập huấn năm nay, lần đầu tiên Vụ GD tiểu học và Ban quản lý dự án VNEN đã cung cấp cho học viên “Công cụ nghiên cứu bài hướng dẫn học”. Có công cụ này, học viên thực sự chủ động khi “soi” nó vào từng bài học, từng hoạt động (HĐCB, HĐTH,HĐƯD), biết phân tích, đánh giá cái hay và cả cái hạn chế của tài liệu, để từ đó có giải pháp phù hợp. Cũng tại đây, các học viên được quan triệt sâu sắc “quyền” chủ động và sáng tạo của giáo viên trong quá trình sử dụng tài liệu khi phát hiện ra những điểm bất hợp lý. Một điều có lẽ các học viên đều ghi nhớ, đó là báo cáo viên luôn chia sẻ mục tiêu của các hoạt động với học viên. Như vậy, khi áp dụng trong dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên cũng cần chia sẻ mục tiêu của các hoạt động học với học sinh để các em nắm được và biết cách tự hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời hình thành các năng lực cần thiết.
Phương châm của đợt tập huấn này là các báo cáo viên không giảng giải lý thuyết, không nặng về trình bày, diễn giải, phân tích, nhất là không đi sâu về mặt kiến thức, mà chủ yếu tập trung nâng cao năng lực cho các học viên về mặt phương pháp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế về phương pháp dạy, phương pháp học, đánh giá học sinh… Tương tự, trên lớp học, giáo viên cũng cần xác định rõ mục tiêu, tri thức cần cung cấp cho học sinh để có phương pháp phù hợp đơn giản nhất, tránh tình trạng làm phức tạp hóa vấn đề; đồng thời giáo viên cũng cần luôn bám vào Chuẩn Kiến thức Kỹ năng và sử dụng các công cụ dạy – học để điều chỉnh các hoạt động học.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Giám đốc Dự án VNEN Phạm Ngọc Định phát biểu trong lễ bế mạc khóa tập huấn
Phát biểu bế mạc đợt tập huấn, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định, giám đốc BQL dự án VNEN đánh giá cao những cố gắng của các báo cáo viên, hội đồng tự quản của các lớp, đặc biệt là ý thức tự giác, tự học của các học viên đã được nâng lên một bước, nhiều học viên đã chủ động chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệp tháo gỡ khó khăn để thực hiện mô hình VNEN đạt hiệu quả. Mặc dù, những khó khăn về Tổ chức lớp học, Hội đồng tự quản, cũng như việc sử dụng các công cụ tự quản, đã được trao đổi, chia sẻ khá nhiều trong lớp tập huấn, nhưng theo Vụ trưởng, khi về địa phương, để triển khai có hiệu quả ở từng lớp, thì giáo viên phải hiểu rõ Hội đồng tự quản, các Ban, các góc học tập, góc cộng đồng, bản đồ cộng đồng, thư viện lớp học…chính là công cụ để học sinh tự quản, tự học. Nó cần được khai thác, sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả và sáng tạo để phục vụ tích cực cho các hoạt động học tập của học sinh, tránh tình trạng coi nó chỉ là vật trang trí lớp thuần túy.
Vụ trưởng cũng lưu ý các giáo viên trong việc hướng dẫn các nhóm học tập, phải chú trọng vào hoạt động cá nhân, sau đó mới là hoạt động nhóm nhỏ và nhóm lớn. Để hoạt động nhóm đạt hiệu quả, thì vai trò điều hành của nhóm trưởng là rất quan trọng, bên cạnh đó là thành viên theo dõi thời gian,, có thư ký ghi chép nội dung thảo luận.
Không khí lớp tập huấn còn luôn được “hâm nóng” với các hoạt động khởi động đầu giờ. Những tiếng cười vang lên rộn rã giúp học viên thoải mái hơn khi vào giờ học. Nhờ vậy mà các thầy cô đều cảm nhận được lợi ích của hoạt động này. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng, khi áp dụng trong dạy học theo mô hình VNEN, nếu hoạt động khởi động là trò chơi có vận dụng kiến thức vừa học, gần gũi với cuộc sống của học sinh thì chắc chắn các em sẽ càng nắm vững kiến thức và hào hứng trong học tập.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thu, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tân An, Yên Dũng, Bắc Giang: “Lần tập huấn này giúp chúng tôi hiểu hơn, ‘thấm’ hơn về nhiều khía cạnh của mô hình, đặc biệt là vấn đề dạy học bồi dưỡng năng lực cho học sinh. Tập huấn đã nâng năng lực của giáo viên trong việc tổ chức, điều hành lớp học, trong việc tổ chức và sử dụng hiệu quả công cụ Hội đồng tự quản… Học viên được trải nghiệm nhiều hơn, từ những trải nghiệm đó chúng tôi rút kinh nghiệm và tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề”.
Cô Nguyễn Thị Huệ, GV trường Tiểu học Hùng Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình: “Tôi nghĩ rằng thông qua quá trình học tập, năng lực của mình sẽ được dần dần nâng cao, kiến thức sẽ vững hơn, sẽ tự tin mạnh dạn hơn để dạy học theo mô hình VNEN hiệu quả”.
Để chuẩn bị cho triển khai dạy học lớp 5 theo mô hình VNEN trong năm học 2014-2015, hoạt động tập huấn cụm tỉnh dành cho các địa phương khó khăn thuộc nhóm ưu tiên 1 và 2 tiếp tục được tổ chức tại 13 cụm tỉnh: Điện Biên,Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên,Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa,Đắc Lắc, Gia Lai, Trà Vinh, Kiên Giang và được chia làm 2 đợt. Đợt 1: từ 14-18/7, đợt 2: từ 20-24/7.
Ngày 10/07/2014
Kiểu Trinh