Là người trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN), Thứ trưởng có đánh giá gì về kết quả đã đạt được?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Như chúng ta biết, NQ TƯ 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm của giáo dục phổ thông. Đó là còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, kiến thức không gắn với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng còn ít, nhà trường chưa gắn tốt với gia đình và XH. Nội dung, phương pháp dạy học còn nặng nề, áp đặt, quá tải, không gây hứng thú học tập cho học sinh. Như vậy, nhìn lại những tác động của của Mô hình Trường học mới, rõ ràng mô hình này đang giúp chúng ta từng bước khắc phục được những hạn chế đó. Bởi, ở mô hình nhà trường hiện nay, giáo viên dạy theo lối truyền đạt kiến thức một chiều, với Mô hình Trường học mới, học sinh được tự học và giáo viên là người đứng ra tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học. Theo mô hình mới, học sinh chủ động học tập và thường xuyên rèn luyện phương pháp tự học. Đây là tiền đề cho việc xây dựng xã hội học tập, vì muốn xây dựng xã hội học tập thì từng thành viên trong xã hội phải biết tự học, có hứng thú học tập…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn báo chí
Thêm nữa, với mô hình này, học sinh được tự quản, được rèn luyện kỹ năng sống trong tập thể, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng hợp tác, chia sẻ với nhau. Như vậy, việc học không chỉ mang đến kiến thức, rèn kỹ năng sống, mà còn hình thành đạo đức, nhân cách cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học và ngoài xã hội… Bài học của các em, không chỉ có phần lĩnh hội kiến thức mới, mà còn có phần để các em thực hành kiến thức (tức là rèn luyện, củng cố, mở rộng kiến thức), rồi có phần ứng dụng (tức là việc áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn ở gia đình, cộng đồng, xã hội)…
Có thể thấy, mô hình mới có thể đáp ứng được nhiều mục tiêu giáo dục, gắn kết tốt hơn nhà trường với gia đình và XH, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học với hành. Mô hình này đáp ứng được nhiều yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện và bước đầu đã được ứng dụng có hiệu quả ở các địa phương.
Cũng phải nói rằng, bước đầu triển khai một mô hình giáo dục mới, không tránh khỏi khó khăn, nhưng rất mừng là do có sự đồng thuận rất cao, nên các địa phương, nhà trường đều rất chủ động và có nhiều sáng kiến trong việc khắc phục khó khăn, tạo điều kiện để GV được học tập lẫn nhau, tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, trong cụm trường. Rồi, không chỉ học tập đồng nghiệp trong tỉnh, mà còn mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh bạn như cuộc hội thảo hôm nay của các Sở GD&ĐT đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ.
Hy vọng mô hình VNEN sẽ góp phần đáng kể cải thiện chất lượng dạy chữ – dạy người trong giáo dục. Tuy nhiên, khi mối lo về tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” vẫn còn, thì việc tự học như thế nào, nhất là với những học sinh học yếu?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi cũng thấy có những ý kiến lo ngại về vấn đề này. Nhưng, điều đầu tiên phải khẳng định, ưu điểm đặc biệt của Mô hình Trường học mới là sự phù hợp với từng em học sinh: các em tự học, giáo viên làm việc riêng với từng học sinh. Nếu học sinh nào đang khó khăn, giáo viên dành thêm thời gian để giúp. Nếu em học sinh đó vẫn khó khăn mà không theo được, thì thậm chí GV cho học sinh này học chậm hơn các bạn cũng được. Các bạn có thể học sang bài mới, em này vẫn học bài trước đó cũng không sao, kể cả cuối năm học, tất cả các bạn trong lớp hoàn thành hết rồi, mà có một vài em chưa hoàn thành, vẫn được. Trong trường hợp này, giáo viên phải tìm cách phụ đạo, dạy bù, thậm chí các bạn khác lên học lớp trên rồi, học bài đầu của lớp trên rồi, mà em học sinh này vẫn học bài cuối của lớp dưới cũng không sao. Làm thế nào để giúp các em bù lại những gì còn thiếu sót, giúp từng em tiến bộ mỗi ngày, từng bước tiếp cận được bạn là tốt. Phải như thế mới không bỏ sót những học sinh yếu kém và như thế mới không để xảy ra tình trạng “ngồi nhầm lớp”.
Ở đây tôi cũng xin lưu ý, để cho các em vào lớp 2 học cho tốt, thì cố gắng làm thật tốt việc nghiệm thu chất lượng kết quả học tập của lớp. Nếu em nào không đảm bảo chất lượng để vào lớp 2 để có thể tự học theo mô hình VNEN được, thì nhất định không chuyển các em lên học lớp 2. Làm sao học xong lớp 1, học sinh không chỉ đọc được, mà đọc là phải hiểu. Giải pháp công nghệ giáo dục giúp học sinh đọc được, nhưng đọc phải hiểu mới là yêu cầu đặt ra khi nghiệm thu chất lượng học tập của học sinh lớp 1. Phải đọc được, hiểu được, thì mới tự học được. Vì vậy, cần cố gắng đánh giá nghiệm thu chất lượng học tập của riêng từng em. Bộ GD&ĐT lâu nay vẫn hướng dẫn nghiệm thu lớp dưới mới bàn giao cho lớp trên, đặc biệt việc nghiệm thu từ lớp 1 lên lớp 2 là rất quan trọng.
Được biết khi thực hiện mô hình trường học mới, công tác quản lý có nhiều thay đổi theo hướng “mở”, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhà trường, của giáo viên. Xin thứ trưởng cho biết rõ hơn điều này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng vậy. Quan điểm của tôi là quản lý thế nào để hoạt động dạy và học đi đúng hướng, có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Vừa qua, cũng có Sở GD&ĐT đề nghị Bộ cho phép áp dụng mô hình VNEN ngay ở lớp 1 để lên lớp 2 các em khỏi bỡ ngỡ. Tôi thấy việc này chẳng phải đề nghị, cứ tự động mà làm nếu thấy điều đó là tốt. Nếu Sở thấy trường làm tốt thì phải hoan nghênh. Quan trọng là có cách gì để làm thuận lợi và hiệu quả hơn. Quản lý bây giờ không theo lối áp đặt mà phải tăng quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên.
Tôi rất hoan nghênh các nhà trường có nhiều sáng kiến cải tiến sinh hoạt chuyên môn theo tổ nhóm, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học khi thấy có những điều chưa ổn, chưa hợp lý trong tài liệu dạy học. Bộ khuyến khích giáo viên làm việc này. Tôi đề nghị, cả những bài tập ứng dụng mà không phù hợp với địa phương thì giáo viên nên sửa đi, quan điểm là thấy làm thế nào tốt hơn thì mình làm. Như vậy công tác chỉ đạo quản lý rõ ràng là khác trước.
Từng cấp, từng người phải biết mình có quyền gì để làm cho tốt hơn, thì mình cứ chủ động. Trước đây, nếu làm khác với trên nói là sai, nhưng bây giờ làm khác với trên nói, thì trên chưa nói sai ngay, mà phải nghiên cứu, xem xét, có thể góp ý, chứ không nói sai, thậm chí thấy tốt hơn thì trên phải học dưới. Sở mà thấy trường làm tốt thì Sở học trường, Bộ thấy trường làm tốt hơn thì Bộ cũng phải học trường, đó là tinh thần xây dựng và cầu thị, mình phải chủ động làm việc ấy.
Nhà trường, giáo viên được tự chủ cao hơn, miễn sao đạt được chất lượng tốt, chứ không quản lý theo kiểu trên nói thế nào là dưới làm thế hoặc ở cấp dưới cái gì cũng phải xin phép cấp trên, bởi đó là cách quản lý chưa đạt yêu cầu.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng hiện tại số trường được thụ hưởng dự án Mô hình trường học mới là rất ít, chiếm chưa đầy 10% tổng số trường tiểu học trong cả nước, vả lại các trường này cũng chỉ thực hiện sứ mạng thí điểm. Vậy tới đây, Bộ GD&ĐT có chủ trương nhân rộng mô hình này không, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Sau một năm triển khai, nhiều Sở GD&ĐT đã thấy mô hình này có tác dụng tốt và đã chủ động nhân rộng dù không được dự án hỗ trợ. Vì vậy, mặc dù số lượng trường chính thức nằm trong dự án chỉ có 1447 trường, nhưng nay cả nước có thêm 629 trường tự nguyện thực hiện mô hình VNEN. Không có dự án nào tự nhân rộng nhanh đến thế. Bộ chưa tổng kết, nhưng địa phương đã thấy được lợi ích của mô hình và tự nhân ra rồi. Bộ GD&ĐT rất khuyến khích tiếp tục nhân rộng cùng với quá trình rút kinh nghiệm.
Điều cần lưu ý là không nhân rộng một cách máy móc, mà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình. Việc nhân rộng toàn bộ hay nhân rộng từng phần theo Mô hình Trường học mới đều tốt. Vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh đã đề nghị Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra không chỉ ở tiểu học mà THCS, vì thấy mô hình này tốt, con em họ học THCS mà không được học mô hình này thì rất thiệt thòi. Bộ GD&ĐT cũng đã chuẩn bị triển khai mô hình này ở THCS và bắt đầu thực hiện thí điểm vào năm học sau.
Nhiều người lo ngại về tính bền vững của các dự án khi thời hạn kết thúc. Với Dự án Mô hình trường mới- một dự án có thời hạn hoạt động quá ngắn thì thế nào,thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nói về chủ trương, Việt Nam đã vượt qua nước thu nhập thấp, bước vào nước có thu nhập trung bình, khi có thu nhập trung bình thì các dự án đưa vào mình sẽ ngày càng ít. Số dự án được vay ưu đãi cũng ngày càng ít đi, đến giai đoạn chuyển sang vay thương mại, lãi xuất cao.
Vì thế phải có quan điểm: Có dự án thì phải học được cách làm của dự án để khi dự án kết thúc, việc đó phải được duy trì, phải được tiếp tục ở những chỗ đã có dự án. Còn với những nơi chưa được thu hưởng dự án thì có thể nhân rộng ra.
Muốn vậy, một mặt phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng mặt khác phải làm thế nào để sau khi dự án kết thúc, chúng ta vẫn tiếp tục làm được. Với những gì chúng ta đã thấy, Mô hình Trường học mới đáp ứng được nhiều yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trước hết đáp ứng mục tiêu dạy chữ – dạy người trong giáo dục, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của từng học sinh. Đây là mô hình đang được đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh rất hoan nghênh, hưởng ứng nhiệt tình, không lẽ hết dự án lại dừng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các Sở GD&ĐT phải suy nghĩ nghiên cứu để có kế hoạch, giải pháp nhân rộng cách làm của Dự án này. Hiện nay những trường trong diện nhân rộng là những nơi tự nguyện rồi, nhưng còn 1447 trường đang được thụ hưởng dự án, thì phải có giải pháp ngay để sau khi dự án kết thúc vẫn duy trì tốt hoạt động. Cần xác định rõ nhà trường phải làm gì, giáo viên làm gì, việc gì phải huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội hóa giáo dục? Có như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả và sự bền vững của dự án.
Hiện nay,không ít người đặt câu hỏi: Tới đây, chúng ta sẽ đổi mới chương trình giáo dục phổ thôngtheo Nghị quyết Trung ương 8 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, khi đó Mô hình trường học mới có còn tồn tại không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Xin được trả lời rằng, cái cốt lõi nhất của chương trình giáo dục là mục tiêu giáo dục với những yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực của học sinh khi kết thúc từng cấp học. Trong thực tế sẽ có nhiều cách thức để đạt tới mục tiêu đó, chúng ta cần lựa chọn cách thức hiệu quả nhất, phù hợp nhất với từng trường, từng địa phương trong mỗi thời kì nhất định. Mô hình trường học mới là một trong những cách thức sẽ được lựa chọn khi triển khai chương trình giáo dục mới. Tôi tin tưởng rằng, lúc đó việc áp dụng mô hình này sẽ thuận lợi hơn vì chúng ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm ngay từ bây giờ.
Hải Yến – nguồn VOV