Mở màn cho việc đánh giá Thông tư 30 (TT 30), ông Dương Đức Nam – Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Ninh Bình khẳng định: Bây giờ nếu chúng ta đưa ra một thăm dò về việc thích đánh giá bằng điểm số hay đánh giá theo TT30 thì có thể khẳng định nhiều người sẽ thích việc cho điểm. Bởi vì sao, điểm chỉ cần cho “xoẹt” phải là xong. Chúng ta phải khẳng định, một cái mới đưa vào thì việc có phản ứng là chuyện bình thường
Nói về thực hiện TT30 ở Ninh Bình, ông Dương Đức Nam cho biết, về cơ bản thì Ninh Bình đã thực hiện tương đối tốt TT 30 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Sở dĩ làm được việc này là do địa phương đã chủ động cho GV tiếp cận với việc đổi mới sớm. Ngoài công tác tư vấn cho chính GV, phụ huynh thì lãnh đạo còn trải nghiệm thực tế cùng với các nhà trường. Bên cạnh đó, Sở cũng đã họp bàn thống nhất giữa các đơn vị chuyên môn liên quan trong việc thực hiện TT30, đặc biệt là công tác thanh tra.
Dưới một góc độ nhìn nhận sâu sắc hơn, ông Thái Huy Vinh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An nhấn mạnh: TT 30 và việc tổ chức kì thi THPT quốc gia là bước đột phá của giáo dục Việt Nam để thực hiện Nghị quyết 29. Việc ra đời TT 30 là đã trải qua một quá trình triển khai các quy định trước đây, chúng ta kế thừa những mặt tốt để đưa vào và loại bỏ những mặt không còn phù hợp nữa. Trong quá trình triển khai ngành cũng đã điều chỉnh để tạo điều kiện cho GV thực hiện tốt TT 30.
“Sau một học kỳ, chúng ta thực hiện được như thế này tôi đánh giá là “êm”. Nhân dân đồng tình, cán bộ quản lý, GV đồng tình và thực hiện có hiệu quả từng bước. Theo tôi, TT 30 đúng cả về mặt lý luận, tâm lý giáo dục, thực hiện, kể cả một quá trình phát triển giáo dục thì ta chỉ đạo mạnh mẽ, tích cực” – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An nói.
Bên cạnh việc ủng hộ TT 30, ông Thái Huy Vinh cũng “chỉ trích” việc có những ý kiến trái chiều.
“Cơ bản là các đơn vị truyền thông ủng hộ TT 30, nhưng bên cạnh đó cũng có đơn vị “săm soi”. Tại sao chúng ta có hàng chục vạn cán bộ quản lý, GV được học hành tử tể, được đào tạo cơ bản, hiểu được tác dụng mà ta lại thua mấy anh “săm soi”” – ông Vinh bày tỏ.
Đánh giá dưới góc độ tâm lý GV, ông Phạm Xuân Tiến – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích: Khi TT 30 ra đời thì nhiều GV băn khoăn cho rằng, thay vì không cho điểm mà bằng nhận xét và người ta nghĩ ngay đến việc khắc con dấu là đúng rồi. Bởi làm sao họ có thể viết được mãi khi mà ở Hà Nội có những lớp lên đến 60 học sinh. Tuy nhiên, khi GV hiểu được rằng, nhận xét không phải là cứ viết vào cho thật nhiều mà có thể là các vết tích đúng hoặc sai, và không phải chỉ có một mình cô giáo nhận xét… nên hình thức dùng con dấu đã được loại bỏ
“Chúng tôi đã chỉ đạo xuống các đơn vị một cách hết sức cụ thể. Trước đây, ở môn Toán có hai đầu điểm thì GV phải chấm điểm kết hợp với nhận xét. Bây giờ các cô bỏ cho điểm đi thì vẫn còn tồn tại nhận xét. Như vậy công việc giảm đi. Chúng tôi vẫn hay nói đùa: TT 30 khác cơ bản TT 32 là giảm đi 2 đơn vị” – ông Tiến nói về công tác tuyên truyển của Hà Nội trong việc thực hiện TT 30.
Cũng theo ông Tiến, mặc dù ở TT 32 quy định môn Toán có 2 đầu điểm nhưng thực tế ngày nào cô giáo cũng chấm, không chấm toán thì chấm chính tả…Như vậy ngày nào học sinh cũng có điểm. Chính vì thế nó mới tạo ra áp lực điểm số bởi ngày nào cô cũng chấm điểm nên phụ huynh lúc nào cũng hỏi. Chính vì thế, việc ra đời của TT 30 là điều cần thiết.
Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học TP Hải Phòng Đặng Minh Hằng chia sẻ: Hiện tại việc thực hiện TT 30 ở Hải Phòng đã đi vào nề nếp. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo xuống các Phòng giáo dục không đánh giá GV, không phê bình, khiển trách GV trong việc thực hiện TT 30 và chỉ tư vấn, nhắc nhở.
“Có thầy cô mẫn cán, ghi nhiều, ghi thừa nhưng chỉ cần rút kinh nghiệm cho tháng sau thực hiện cho đúng, không phải làm lại, chép lại, sửa lại để tạo tâm lý thoải mái cho GV” – bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, hiện nay cái khó của GV đó là việc ghi lời nhận xét vào vở học sinh. Mặc dù GV đưa ra những lời nhận xét bằng lời ở lớp rất là dõng dạc nhưng khi để chuẩn chỉnh thành một câu chữ để ghi vào vở học sinh thì lại rất e dè, thiếu tự tin.
Về cái khó của Trưởng phòng tiểu học TP Hải Phòng đưa ra được lãnh đạo nhiều địa phương đồng tình, thậm chí có người không ngần ngại tiết lộ: “Sở dĩ GV ngại viết lời nhận xét trong vở học sinh là do viết chữ chưa được đẹp”.
Những gì hình thức sẽ được loại bỏ
Ngoài những việc đánh giá tích cực về TT 30, Hội nghị cũng đón nhận những đề nghị thẳng thắn từ phía đại biểu tham dự liên quan đến việc làm sao giảm áp lực số sách cho GV, quyền lợi của GV khi thực hiện TT 30…
“Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thay vì ghi chép nhiều ở các môn thì GV có thể thay bằng các chứng cứ, dấu tích. Việc đánh giá phẩm chất năng lực kiến thức theo môn cũng nên làm như vậy. GV sẽ không phải viết nhiều. Ở các mục sẽ có dòng trống để nếu cần GV viết, ghi nhận xét vào. Như vậy thầy cô mới hoàn thành công việc được. Nếu không như GV thể dục 20 lớp không thể ghi hết được. Bên cạnh đó, việc bàn giao sổ học bạ thì cuối năm nên chuyển thẳng lên lớp trên, không cần bàn giao cho học sinh và việc ghi chép cũng chỉ cần làm vào cuối năm như trước đây” – Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến đề nghị.
Trước đề nghị này, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho rằng sổ theo dõi, đánh giá chất lượng có thể coi như sổ ghi nhật ký của riêng GV. Bộ chỉ gợi ý. Cơ sở có thể thiết kế cho phù hợp với từng GV hay dùng chung.
“Việc dùng các chứng cứ, dấu tích đã có kinh nghiệm từ thực hiện TT32 là hầu như các nơi không “làm thật”. Cuối năm GV chỉ tích vào cho xong. Một việc làm vừa mất cường độ lao động vừa không ý nghĩa thì bỏ. Cái cần là GV làm đến đâu một cách thực chất thì ghi và cần tập trung vào đối tượng cần quan tâm giúp đỡ. Sau đó xem các em tiếp thu, tiến bộ như thế nào. Việc ghi học bạ là cần thiết bởi khi kết thúc học kỳ, năm học thì cần phải chuyển cho phụ huynh và không công bố trước lớp đọc. Qua đó, để thầy cô trao đổi với từng phụ huynh. Đây là cách làm nhân văn. Chúng ta cần phải xem xét lại, nếu việc ghi học bạ là hình thức mà cơ sở có cách làm hay hơn thì sẽ nghiên cứu để điều chỉnh” – Vụ trưởng Phạm Ngọc Định phân tích.
Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho rằng muốn thực hiện TT30 tốt phải nghĩ tới “tiếng kêu”, quyền lợi của thầy cô. Việc xem xét định mức biên chế GV/lớp, quy định chế độ làm việc cần điều chỉnh để thầy cô yên tâm công tác.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định xin nhận tiếp thu để có hướng giải quyết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: Cần phải có một khảo sát cụ thể để đánh giá cường độ làm việc của GV hiện nay như thế nào, từ đó sẽ hướng điều chỉnh.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nhấn mạnh: Qua tất cả các ý kiến, chúng ta thấy TT 30 có tính nhân văn đã đi vào cuộc sống, HS đã bớt áp lực điểm số mà đảm bảo chất lượng giáo dục được duy trì và có phần nhỉnh hơn. Thầy cô cũng biết cách thực hiện TT30 và cha mẹ đã yên tâm với đánh giá mới. Điều sợ nhất là chính sách không đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện có hơn 350.000 GV, không phải tất cả làm tốt. Thầy cô đang trong giai đoạn biết làm.
Cũng theo ông Định, để thực hiện tốt TT 30 thì cần phải thay đổi phương pháp dạy và học. Nếu cứ theo dạy thụ động thì rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc ghi nhận xét như thế nào trong vở học sinh cũng là cách để GV tự rèn luyện, nâng cao trình độ…
Ông Định cũng cho rằng, việc thực hiện TT30 cần sự nghiêm túc nhưng phải linh hoạt, không thể để chuyện “GV sợ trường, trường sợ phòng, phòng sợ Sở và Sở lại sợ Bộ”.
“Nếu không có dân chủ thì thực hiện TT30 rất khó khăn. Về cách làm, có thể GV làm hơi ngược so với chỉ đạo nhưng hãy cho họ trình bày. Nếu thực sự họ làm đúng nên ủng hộ, đừng quá máy móc. TT30 thành công hay không, quyết định ở GV. Những khó khăn về các kĩ thuật nhận xét, đánh giá sẽ cần được tiếp tục điều chỉnh. Nhưng gì được cho là hình thức sẽ được loại bỏ” – Vụ trưởng Phạm Ngọc Định chốt vấn đề.
Nguyễn Hùng
Nguồn dantri.com.vn