Triển khai Mô hình Trường học mới ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
images
Sau gần hai năm triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới (VNEN), với nhiều thành công và không ít khó khăn cần tháo gỡ, đại diện ngành giáo dục các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa có dịp tụ hội về thành phố Thanh Hóa tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả mô hình trường học mới”.

Hội thảo do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, giám đốc dự án VNEN.

                    

                      Bà Phạm Thị Hằng, GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Trong số 1447 trường tiểu học trong cả nước được thụ hưởng Dự  án Mô hình Trường học mới, thì khu vực miền trung và Tây Nguyên có 563 trường. Thanh Hóa là địa phương có số trường triển khai mô hình VNEN lớn nhất với 91 trường.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Mô hình trường học mới là mô hình tối ưu cho người học. Giáo viên từ vai trò chủ thể truyền thụ kiến thức, trở thành người tổ chức , quan sát giúp đỡ các em thực hiện các hoạt động. Mô hình Trường học mới tại VN thực sự là một bước tiếp cận với giáo dục hiện đại trên thế giới, đồng thời là tiền đề cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương khóa 11”.

Sau gần 2 năm triển khai, mô hình VNEN ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã đạt được kết quả khả quan. Tinh thần và ý thức làm việc của giáo viên, học sinh tích cực và chủ động hơn. Đặc biệt, môi trường lớp học thân thiện, dân chủ hơn, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh và giữa nhà trường với cộng đồng được cải thiện đáng kể. Từ kết quả này, nhiều nhà trường, dù không được thụ hưởng Dự án cũng tự nguyên đăng ký áp dụng mô hình.

          

                                                                      Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Mô hình VNEN đòi hỏi sự đổi mới toàn diện, đồng bộ, từ khâu tổ chức quản lý lớp học, cách dạy, cách học, đến cách thức đánh giá, nên dù đã đạt được kết quả khả quan, nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và cả hạn chế, khiếm khuyết.  Vì vậy, Hội thảo thực sự là cơ hội tốt để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu…

 
                      
Vụ trưởng Vụ GD tiểu học Phạm Ngọc Định, giám đốc dự án VNEN
phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học – Giám đốc Dự án VNEN Phạm Ngọc Định, đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của Dự án, các yêu cầu về chuyên môn, tài chính và nhiều yếu tố liên quan để đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững của mô hình. Vụ trưởng nhấn mạnh: “Điều căn cốt của mô hình VNEN, là thay đổi về phương pháp, cụ thể là thay đổi cách dạy – cách học, chuyển từ hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động tự học của học sinh, chứ không đòi hỏi cao về cơ sở vật chất. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên phải được đặc biệt quan tâm”.

           
                                 
                                        Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả triển khai mô hình VNEN của các nhà trường, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời nhấn mạnh nét đặc trưng cơ bản và cũng là giá trị quan trọng nhất của mô hình mới, đó là giáo dục hướng đến từng học sinh. Thứ trưởng khẳng định: “Mỗi em học sinh, với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng học tập khác nhau, các em có quyền học theo các cách khác nhau, tốc độ khác nhau để đạt được kết quả. Đây là điều mà mỗi cán bộ giáo viên phải lưu tâm khi thực hiện Mô hình Trường học mới, để làm sao có sự quan tâm tốt nhất tới từng học sinh”. Cũng tại đây, thứ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo về  hoạt động đánh giá học sinh và giáo viên- một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại cuộc Hội thảo.

               

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Đánh giá phải có tác dụng khuyến khích giáo viên sáng tạo

Thực hiện Mô hình Trường học mới có nhiều cái mới, trong đó có cái mới về đánh giá học sinh. Các nhà trường đều phản ánh là công việc này vất vả hơn. Đúng vậy, ngày đầu chưa quen, vạn sự khởi đầu nan, vất vả là điều không tránh khỏi. Kể cả có quen rồi, thì cũng vất vả hơn trước. Bởi, trước đây ta không đánh giá học sinh mà chỉ đo lường xem học sinh học được nhiều hay ít mà thôi, dẫn đến tình trạng phổ biến là: cho điểm là xong, giáo viên chẳng phê, chẳng sửa sai, hoặc nếu có thì cũng rất ít.

Quan điểm đổi mới kiểm tra đánh giá là theo mục tiêu dạy học, vì sự tiến bộ của người học. Học sinh được tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đây cũng chính là quá trình học tập của học sinh. Như vậy, hoạt động đánh giá không chỉ là đánh giá kết quả học tập, mà chính là quá trình vì sự học, đánh giá sự học. Tinh thần này không chỉ thực hiện ở mô hình VNEN, mà dần dần phải được thực hiện trong toàn ngành, với quan điểm: đổi mới kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Như vậy, nói đến kiểm tra đánh giá, là có một phần đo lường – tức là cho điểm (nhưng ít thôi), còn chủ yếu là xem các em học tập như thế nào. Giáo viên phải quan sát, phát hiện, nhận xét cả quá trình học tập của học sinh. Nếu thấy các em gặp khó khăn hoặc có những biểu hiện không tích cực trong học tập thì phải tìm hiểu nguyên nhân, có giải pháp, động viên để các em vượt qua. Động viên không được thì phải hướng dẫn cho các em, phối hợp với gia đình để giúp các em vượt qua. Nếu các em vượt qua được thì phải tuyên dương để các em thêm hứng thú trong học tập. Đấy mới là đánh giá. Vì vậy, để làm được điều này, giáo viên phải dầy công hơn, vất vả hơn trước.

Còn đối với đánh giá giáo viên, Bộ đã chỉ đạo: ở những đơn vị đang triển khai Mô hình Trường học mới, thì không đánh giá xếp loại giáo viên. Sở dĩ Bộ đưa ra chủ trương này là để tạo ra không gian sư phạm thoải mái cho giáo viên được tiếp cận, thử nghiệm và sáng tạo phương pháp mới mà không sợ bị sai, bị đánh giá xếp loại. Hơn nữa, do tiến độ và khả năng học tập của học sinh trong mỗi tiết có thể khác nhau, có em hoàn thành, có em chưa hoàn thành nhiệm vụ, nếu muốn đánh giá xếp loại thi đua thì xét cả quá trình chứ không thể xét trên từng tiết dạy.

Vì vậy, hoạt động dự giờ bây giờ không nặng về xếp loại giáo viên, mà chủ yếu là để quan sát xem giáo viên tổ chức cho học sinh tự học như thế nào, khả năng kiểm soát của giáo viên đối với các nhóm ra sao, phương pháp giúp đỡ học sinh yếu, quan tâm đến học sinh giỏi thế nào… Dự giờ thăm lớp phải được quán triệt theo tinh thần mới là để góp ý lẫn nhau, giúp nhau tiến bộ và không ngừng sáng tạo, bởi nghề dạy học là nghề sáng tạo. Hơn lúc nào hết, tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, “học thầy không tày học bạn” phải đề cao trong mỗi tập thể sư phạm, mỗi giáo viên, để hoạt động dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn thực sự có chất lượng, hiệu quả, tránh lối phô diễn, hình thức như đã thấy trước đây. Vậy nên đừng đòi hỏi Bộ phải có qui định đánh giá giờ dạy của giáo viên. 

 
Ngày 17/04/2014
Hải Yến