Học sinh Trường tiểu học Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) hào hứng với tiết học VNEN
Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn ông Đặng Tự Ân – Chuyên gia trưởng trực tiếp chủ trì thiết kế và xây dựng văn kiện của Dự án.
* Từ chuyến đi thực tế ở Nghệ An và Hà Tĩnh cho thấy, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện hầu hết giáo viên vẫn quen với phương pháp dạy truyền thống nên còn lúng túng và chưa thích ứng được với mô hình VNEN. Mặt khác, tài liệu giảng dạy, học tập vẫn thiếu nhiều. Nếu như chúng ta tiếp tục nhân rộng mô hình này thì phía Dự án đã có phương án nào hỗ trợ các trường và các địa phương hay không, thưa ông?
– Chúng tôi đã nhận thấy điều đó và đã xây dựng “Chiến lược tập huấn giáo viên theo mô hình VNEN tại Việt Nam”. Quá trình tập huấn sẽ cố gắng sao cho những tác giả, những người quản lý, chỉ đạo từ Trung ương sẽ tập huấn trực tiếp cho các giáo viên giảng dạy.
Trong quá trình tập huấn chúng tôi sẽ chú ý hoạt động là sinh hoạt chuyên môn. Có thể đây sẽ là yêu cầu bắt buộc của các địa phương và khuyến khích các cơ sở giáo dục sáng kiến trong thực hiện nội dung này.
Sinh hoạt chuyên môn thực chất là thảo luận cách thức giảng dạy các bài học mà các trường sẽ phải thực hiện trong tuần tiếp theo. Bồi dưỡng giáo viên không phải là một số ngày trong hè mà nó diễn ra thường xuyên, liên tục.
Sinh hoạt chuyên môn cần được tiến hành thường xuyên hằng ngày, hằng tuần và theo định kỳ. Có thể tổ chức trong trường, rộng hơn là theo cụm trường nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn lẫn nhau.
Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn sẽ giúp giáo viên cùng nhau tháo gỡ những khó khăn và học hỏi cách làm, cách dạy hay của các đồng nghiệp.
Ngoài ra chúng tôi có mở website. Đây chính là diễn đàn và là hình thức trao đổi chuyên môn giữa giáo viên với các chuyên gia. Với cách làm như vậy tôi nghĩ rằng việc bồi dưỡng giáo viên sẽ mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây.
Ông Đặng Tự Ân trao đổi với giáo viên về phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh theo mô hình VNEN |
* Nhiều người băn khoăn lo lắng, đến khi kết thúc Dự án sợ rằng các trường sẽ không tiếp tục duy trì môn hình VNEN nữa. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Theo kế hoạch tháng 5/2016 Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam sẽ kết thúc. Tuy nhiên Dự án kết thúc không có nghĩa là mô hình trường học VNEN cũng sẽ kết thúc theo bởi một lẽ rất hiển nhiên là đã có 1.200 trường không cần sự hỗ trợ của Dự án mà vẫn áp dụng theo mô hình này.
Ý tôi muốn nói ở đây là, sự hỗ trợ của Dự án chỉ là tạo điều kiện ban đầu cho những trường khó khăn. Còn những trường thuận lợi sẽ không cần hỗ trợ của dự án mà họ vẫn làm, thậm chí còn làm rất tốt. Như vậy chúng ta có đủ cơ sở thực tiễn để khẳng định các trường sẽ tiếp tục thực triển khai áp dụng theo mô hình VNEN.
Một điểm nữa là việc tổ chức học cả ngày cho các em. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thành công mô hình trường học mới. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường tiểu học đã thực hiện điều kiện này. Chính vì vậy khi áp dụng mô hình VNEN các trường sẽ gặp nhiều thuận lợi.
* Mô hình này mới chỉ áp dụng ở bậc tiểu học, vậy khi lên THCS nếu trường đó không dạy và học theo VNEN nữa; điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ quay trở lại cách học truyền thống như trước đây. Vậy điều này có sợ vênh về phương pháp và lãng phí hay không – thưa ông?
– Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT năm học này Bộ đang thí điểm chương trình VNEN cho học sinh lớp 6. Chúng tôi bắt đầu tiến hành viết tài liệu học cũng như tài liệu hướng dẫn cho giáo viên lớp 7. Vì vậy nếu học sinh tiểu học sau khi học chương trình của VNEN sẽ tiếp tục học theo chương trình của THCS.
Nguồn: Giáo dục&Thời đại (http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-tin-tiep-tuc-duy-tri-mo-hinh-truong-hoc-vnen-396845-b.html)